Hôi nách có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, ở các độ tuổi từ nhỏ đến lớn. Nhưng có một số thời điểm cơ thể dễ xảy ra hiện tượng hôi nách nhất là thời điểm dậy thì, mang thai và sinh con.
1. Có phải mùa nóng khiến tình trạng hôi nách nặng hơn?
Hôi nách không phải là bệnh do thời tiết, nhưng thời tiết nắng nóng là lý do khiến vùng nách mồ hôi tăng tiết đi kèm với tăng mùi. Nghĩa là tình trạng hôi nách xảy ra mạnh hơn vào những ngày trời nắng nóng.
Tăng tiết mồ hôi nách là tình trạng mồ hôi tiết ra quá mức bình thường và khu trú ở vùng nách, thường xảy ra do quá trình điều hòa thân nhiệt để thích nghi với điều kiện nhiệt độ của môi trường. Chính vì vậy, thời tiết cũng là một trong những tác nhân phụ gây ra bệnh hôi nách. Việc thời tiết quá nóng sẽ dẫn đến các tuyến mồ hôi làm việc cực lực hơn. Đây cũng là điều kiện để các vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, gây ra mùi hôi nách.
Như vậy, không chỉ riêng thời tiết nóng, ngay cả khi trời lạnh cũng thế. Việc làm nóng cơ thể tự nhiên cũng làm vùng dưới cánh tay bạn trở nên nóng hơn và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát sinh nhiều hơn, từ đó cũng nảy sinh ra mùi hôi nách dưới cánh tay của bạn. Đây cũng là câu trả lời cho nhiều người thắc mắc vì sao mùa đông trời lạnh vẫn ngửi thấy mùi hôi nách.
Khi hoạt động như chạy bộ, leo cầu thang hay lao động nặng, mang vác đồ nặng... thân nhiệt sẽ tăng lên và lúc này các tuyến mồ hôi sẽ tiết ra nhiều để làm dịu mát cơ thể. Nếu không tắm thì mồ hôi sẽ nặng mùi.
2. Cách ngăn ngừa mồ hôi, nặng mùi trong suốt cả ngày
Cải thiện vệ sinh cá nhân và liệu pháp bôi ngoài da là những lựa chọn điều trị chính cho các trường hợp mồ hôi nặng mùi bao gồm:
2.1. Cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ thường xuyên
Các tuyến mồ hôi trở nên hoạt động mạnh hơn ở cả nam và nữ trong tuổi dậy thì. Do đó, các thanh thiếu niên thường bắt đầu có mùi hôi. Cần phải giữ cơ thể sạch để tránh mồ hôi nặng mùi. Mọi người nên tắm 2 lần một ngày và sau khi hoạt động gắng sức, tập thể dục hoặc chơi thể thao, nhằm loại bỏ sạch mồ hôi bị nặng mùi còn tồn đọng trên da. Đồng thời tế bào da chết và vi khuẩn ngoài da cũng được loại bỏ, tránh nguy cơ hình thành mùi hôi cơ thể. Khi tắm nên sử dụng một số loại sữa tắm giúp dưỡng ẩm, chăm sóc da, tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả và cải thiện mùi hương trên cơ thể.
2.2. Cần áp dụng phương pháp làm giảm độ pH
Theo nhiều nghiên cứu, tất cả các loại vi khuẩn đều không thể sống trong môi trường axit. Chính vì vậy, vào những ngày trời nóng, có thể áp dụng phương pháp làm giảm độ pH cho những vùng da tiết ra nhiều mồ hôi như lòng bàn chân, vùng nách. Sau khi tắm tắm rửa sạch sẽ, thoa một lớp mỏng nước cốt chanh hoặc phèn chua nhúng nước, chà lên chỗ thường có mùi hôi (bàn chân hay vùng nách), rồi để khô tự nhiên. Vi khuẩn biến mất thì tình trạng mồ hôi nặng mùi sẽ không xuất hiện, mọi người có thể yên tâm cả ngày cũng không có mùi hôi. Đây là cách đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả, không tốn kém, không có tác dụng phụ.
2.3. Cần chọn quần áo thoáng mát
Nên lựa chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, như vải cotton thấm mồ hôi tốt khi thời tiết nóng bức. Ngoài ra, nên chọn các loại quần áo có màu sáng để hấp thu nhiệt lượng từ ánh mặt trời thấp. Nếu quần áo đã thấm mồ hôi thì cần thay ngay khi về nhà. Quần áo thay ra phải ngâm xà phòng hoặc giặt ngay để vi khuẩn không có cơ hội gây mùi hôi. Cần thường xuyên thay tất và giặt giày nếu bị hôi chân.
2.4. Uống đủ nước cho cơ thể
Theo nghiên cứu, mồ hôi là kết quả của sự tăng nhiệt độ cơ thể dẫn tới bài tiết nước. Cho nên cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể sẽ giúp cơ thể cân bằng lại nhiệt độ và không cảm thấy nóng bức, mệt mỏi, ngăn chặn được tình trạng mồ hôi cơ thể nặng mùi.
2.5. Tránh sự căng thẳng
Căng thẳng và cảm xúc mãnh liệt là nguyên nhân hàng đầu kích thích tuyến mồ hôi hoạt động trên toàn cơ thể, tăng cường các vi khuẩn sống trên da. Đó là lý do vì sao khi một người đối mặt với áp lực, căng thẳng, họ thường ra mồ hôi nhiều và có mùi rất "đặc trưng". Do đó, cân bằng cuộc sống, giảm căng thẳng như tập thể dục đều đặn, tập cách hít thở sâu, tránh thức khuya, không làm việc quá gắng sức, ngủ đủ giấc… cũng là một thói quen nên duy trì để hạn chế tình trạng mồ hôi nặng mùi.
2.6. Chất khử mùi
Trong chất khử mùi thông thường có nhiều hóa chất đi kèm với hương thơm sẽ giúp che giấu mùi gồm: Nước tắm, lăn khử mùi, xịt thơm... Tuy nhiên, dùng các chất khử mùi có thể gây dị ứng, phát ban cho da, làm da khô, ngứa và giảm tính đàn hồi. Nếu chọn lựa không phù hợp đôi khi mồ hôi của cơ thể "kết hợp" với các thành phần hóa học của lăn khử mùi sẽ tạo ra mùi nặng hơn và có thể bị thâm nách, dị ứng... và những mảng bám ố vàng trên áo.
Chứng mồ hôi nặng mùi tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, đời sống sinh hoạt hằng ngày, bởi mùi hôi khó chịu cũng như sự ẩm ướt ở vùng da dưới cánh tay. Để tránh mồ hôi có mùi khó chịu, cần tránh những thức ăn "nặng mùi", hết sức hạn chế rượu bia - thuốc lá, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ nhằm giảm thiểu quá trình phát triển của vi khuẩn trên da. Riêng với lý do bệnh lý, điều trị bệnh thích hợp hoàn toàn có thể kiểm soát được mùi hôi của cơ thể.
Có một số người bài tiết lượng mồ hôi ít hoặc nhiều hơn so với người khác. Chúng ta nên đi khám khi thấy có hiện tượng bất thường như tiết quá nhiều hay quá ít mồ hôi hơn bình thường. Việc đổ mồ hôi cản trở công việc sinh hoạt hằng ngày, đổ mồ hôi trộm về đêm hay thay đổi mùi hôi của cơ thể là những lý do tìm đến bác sĩ.
Mời độc giả xem thêm video:
Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19