Thu Hà (vuongha.yoyo@gmail.com)
Mụn nhọt là một nhiễm khuẩn nang lông thường gặp, nhất là ở người có thể địa da nhờn. Vị trí hay gặp là vùng da đầu mặt cổ. Đặc biệt những mụn mọc ở quanh miệng (vùng râu mọc) còn gọi mụn đinh râu. Biểu hiện sớm của mụn đinh râu là sưng đau, nhìn vào thấy đỏ, sau đó mưng mủ và có ngòi như đầu đinh. Mụn tấy đỏ và tạo cảm giác đau nhức. Sờ vào vùng xung quanh thấy nóng. Mụn đinh râu có thể tự phát, hoặc bắt nguồn từ một vết xước, vết nặn mụn bình thường bị viêm nhiễm. Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu thì những mụn nhọt mọc ở vị trí trong lòng bàn tay úp vào miệng gọi mụn đinh râu, những mụn này cần hết sức chú ý, nếu nặn nhể non dễ dẫn đến nhiễm trùng lan tỏa đặc biệt có thể gây nhiễm khuẩn huyết.
Cách điều trị đinh râu an toàn: Khi mới phát hiện sưng đỏ, chưa có mủ, dùng bông chấm cồn iod 1-3% lên chỗ sưng nhiều lần trong ngày. Sau đó, sử dụng kem bôi đặc trị nhiễm khuẩn để ngăn chặn ngay sự phát triển của mụn. Trong trường hợp không có biểu hiện nghiêm trọng, hãy đợi vài ngày cho mụn “chín”, tự vỡ và dùng bông y tế thấm dịch, lấy ngòi mủ ra. Sau đó, rửa lại bằng cồn iod, tránh cọ xát làm xước vùng mụn vừa được tháo mủ. Trường hợp nặng (đinh râu có mủ, đau nhức, sốt cao...) phải đến cơ sở y tế khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn. Còn nhiệt miệng còn gọi bệnh áp-tơ. Theo Đông y là do cơ thể nóng quá mà phát bệnh, do vậy cần ăn thứ mát như bột sắn dây, sinh tố rau má... sẽ hạn chế nhiệt miệng. Việc dùng một số vitamin như vitamin C, PP giúp tăng sức đề kháng giúp cải thiện bệnh.