Hà Nội lần đầu tiên tổ chức lễ hội về sen
Với chủ đề "Sắc sen Hà Nội", lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên tổ chức từ ngày 12 - 16/7 tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ, sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm hấp dẫn về hoa sen và đặc sản trà sen của Hà Nội.
Các hoạt động chính của lễ hội hoa sen gồm: Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024, diễn ra từ 20h - 21h30 ngày 12-7-2024; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc...
Trong khuôn khổ lễ hội hoa sen sẽ diễn ra Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; Lễ khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; chương trình Khảo sát - Hội nghị "Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024"; đêm nhạc "Trịnh Công Sơn và những người bạn"; các khu trải nghiệm workshop cho du khách.
Trong chương trình khai mạc lễ hội hoa sen diễn ra vào tối 12/7, du khách còn được trải nghiệm chương trình nghệ thuật bán thực cảnh với sự tham gia của hơn 200 diễn viên quận Tây Hồ; sử dụng công nghệ ánh sáng mapping hiện đại.
Là một trong những nhà khoa học có nhiều năm ấp ủ đưa cây sen trở thành sinh kế cho người nông dân, có thể thay thế cho cây lúa vốn bị nhiều vùng phía Bắc bỏ quên, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nói về cây sen, ai cũng biết, sen có rất nhiều ý nghĩa, nhiều giá trị, nhiều công dụng… tuy nhiên có một số đặc tính cực kỳ, quý giá của cây sen, mà không phải ai cũng đã biết về nó.
Nhân sự kiện TP Hà Nội tổ chức lễ hội hoa sen lần thứ nhất 2024, PGS.TS Đặng Văn Đông đã chia sẻ những thông tin thú vị về loài sen mà ít người biết.
Đầu tiên, hạt sen là loài có tuổi thọ cao nhất trong tất cả các loài thực vật. Các nhà khoa học ở Trung Quốc, Nhật Bản đã chỉ ra rằng hạt sen được chôn dưới lòng đất hơn 1.300 năm ở Đông Bắc của Trung Quốc vẫn có thể nảy mầm. Mầm sen chôn dưới lòng sông Nhật Bản 2.000 năm, gặp điều kiện thuận lợi vẫn mọc thành cây.
Vào giữa những năm 1970, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra hạt sen ngàn năm tuổi này ở những nơi khác, và cuối cùng đã nảy mầm thành công dưới sự canh tác của công nghệ. Sau khi nghiên cứu, hầu hết những hạt sen cổ đại tình cờ phát hiện này đều có tuổi đời từ 830-1250 và là những hạt có tuổi thọ cao nhất mà chúng ta có thể tiếp cận được hiện nay, điều này cũng khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên. Nhưng hạt sen cổ làm thế nào để sống lâu như vậy?
Các nhà khoa học lý giải, vì lớp vỏ bên ngoài của hạt sen cổ rất cứng, như đá, gió không lọt vào được, hạt được bảo vệ kỹ càng nên ngoại cảnh không thể xâm hại, hơi nước bên trong không thể thoát ra ngoài nên hạt sen cổ thụ rất cứng, hạt giống được nuôi dưỡng tốt, nằm dưới lòng đất trong thời gian dài như ngủ đông, và sẽ phát triển, mọc, nở hoa trở lại khi có cơ hội thích hợp.
"Việc hiểu được cơ chế cơ bản của tuổi thọ hạt sen có thể góp phần nâng cao khả năng lưu trữ hạt giống trong nông nghiệp và trong chăm sóc sức khỏe con người. Việc này đến nay vẫn là bí ẩn với khoa học song việc làm rõ cơ chế tồn tại của loài thực vật này không nằm ngoài tầm với", PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết.
Hoa sen sinh nhiệt để hút côn trùng thụ phấn
PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, một đặc điểm nổi bật khác là lá sen thể hiện tính kỵ nước cực cao: còn được gọi là "hiệu ứng lá sen". Những giọt nước lăn trên lá sen, đã giúp loại bỏ các hạt bụi bẩn bám trên bề mặt lá sen và tạo ra hiện tượng tự làm sạch. Nhiều nghiên cứu sâu hơn về thành phần hóa học và cấu trúc của lá sen, đã rất hữu ích trong việc sản xuất các vật liệu có tính năng siêu kỵ nước và tự làm sạch, điều này rất hữu ích trong cuộc sống.
Hoa sen có khả năng sinh nhiệt lớn cũng cũng là một đặc điểm độc đáo chỉ ở hoa sen mới có. Đặc điểm này có tầm quan trọng với sinh sản hữu tính của hoa sen, thông qua việc thu hút côn trùng thụ phấn. Nhiệt sinh ra trong nhị, nhụy sen, đế bông sen, cung cấp môi trường ấm áp và giúp giải phóng các hợp chất thơm dễ bay hơi để thu hút côn trùng đến thụ phấn, từ đó làm tăng tỷ lệ đậu hạt ở sen ở mùa Đông lạnh.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, từ năm 2012, ông đã có nhiều trăn trở và bắt tay vào nghiên cứu, thực hiện chọn tạo ra các giống sen phù hợp để đưa ra sản xuất. Theo đó đến nay, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn, lai tạo, nhập nội được bộ giống sen khá đa dạng, phù hợp với yêu cầu trồng rải vụ.
Theo TS Đông, hiện nay Việt Nam cũng đã có sẵn nhiều giống sen có năng suất hạt rất cao như giống sen Mặt Bằng, giống sen Tây Hồ có hương thơm rất tốt để ướp chè, hoa đẹp. Tuy nhiên, giống sen chuyên dụng để dùng khai thác lấy ngó, lấy củ hiện nay Việt Nam lại chưa có.
Vì vậy, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành nhập nội các giống sen chuyên lấy ngó, lấy củ từ nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ… Các giống sen chuyên lấy ngó, lấy củ mặc dù hoa không đẹp, nhưng lại cho năng suất, chất lượng ngó và củ rất cao cao, chất lượng tốt, giá trị cao.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã tiến hành chọn tạo một số giống sen mới có màu sắc đa dạng, hoa đẹp như sen Bách diệp trắng, sen Quan âm trắng… có màu đẹp, rất sai hoa, độ bền hoa cao, rất phù hợp để cắt cành hoa cắm trưng, thờ cúng. Đến nay, Viện đã thu thập được tập đoàn 12 giống sen tốt nhất hiện nay để tiến hành đánh giá thêm ưu điểm, sự phù hợp của từng giống cho các mục tiêu khác nhau của sản xuất.
Cũng theo TS Đông, khăn nhất hiện nay trong phát triển sản xuất sen mang tính chuyên canh hàng hóa, đó là đặc thù có tính thời vụ. Theo đó, hướng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả đã và đang cho ra nhiều giống sen có thời vụ khác nhau để rải vụ trong suốt cả năm. Ví dụ có giống sen ra hoa vào mùa hè, mùa thu, có giống sen ra Tết là đã có hoa ngay như giống sen trắng Ấn Độ, hoặc có những giống sen chịu lạnh, mùa đông vẫn có hoa như các giống sen Nhật Bản…
Để cây sen trở thành cây trồng có tính hàng hóa cao, cũng cần sản xuất đa dạng các giống sen với các mục đích khác nhau như: sen dùng để cắt cành lấy hoa; sen để ướp trà; sen để lấy ngó; sen để lấy củ và sen để lấy hạt.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 12/7.