Vì sao hàng loạt lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị đề nghị kỷ luật?

26-08-2019 06:21 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại Kỳ họp lần thứ 38, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa diễn ra đã xem xét, kết luận một số nội dung liên quan đến các sai phạm trong quản lý đất đai ở Khánh Hòa. Kết quả cho thấy, vi phạm của nhiều lãnh đạo đến mức phải kỷ luật.

“Băm núi, lấp biển”

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính... gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản và ngân sách Nhà nước.

Các ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông Trần Sơn Hải - nguyên Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Kết luận này là hệ quả tất yếu của việc các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Khánh Hòa suốt thời gian dài đã để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng, nhiều điều chỉnh làm trái quy định của Chính phủ.

Nhận thấy Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp của thế giới, việc xây dựng các biệt thự, nhà hàng, khu giải trí... đẳng cấp ven mép biển sẽ cho lợi nhuận khủng nên tỉnh Khánh Hòa đã buông lỏng để hàng loạt nhà đầu tư tấp nập kéo đến “băm vằm” Vịnh Nha Trang, lấp, lấn biển để kinh doanh. Điển hình như: Bến du thuyền; Champarama; Amianna; bãi tắm khách sạn Mường Thanh, Hòn Rùa,... Các dự án này kéo đến đâu nỗi bức xúc trong lòng người dân và du khách tăng cao đến đó. Cảnh quan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt doi đất ven biển đẹp nức tiếng đã biến thành nơi “đẻ ra vàng” của các doanh nghiệp.

Không chỉ để các doanh nghiệp ồ ạt lấn, lấp biển mà khu vực núi Cô Tiên rộng gần 2.000ha nằm ngay trong TP. Nha Trang mặc dù chưa có quy hoạch tổng thể nhưng tỉnh Khánh Hòa đã để xảy ra tình trạng hàng loạt nhà đầu tư du lịch, bất động sản tranh nhau chạy đua phân lô, bán nền, bán dự án. Việc này đã đẩy hàng vạn người dân vào mối hiểm nguy trong các mùa mưa bão và bất thường của thời tiết...

Dự án băm núi ở Vĩnh Hòa hình thành khi chưa có quy hoạch chi tiết từng làm 4 người chết thảm.

Dự án băm núi ở Vĩnh Hòa hình thành khi chưa có quy hoạch chi tiết từng làm 4 người chết thảm.

Giao “đất vàng” sai quy định, thất thoát ngân sách lớn

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa diễn ra trước khi có kết luận của UBKTTW, ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thừa nhận: Nhiều dự án có từ nhiệm kỳ trước (thời ông Nguyễn Chiến Thắng làm Chủ tịch tỉnh), chủ yếu do thỏa thuận với nhau.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa bức xúc cho rằng: Là đô thị quan trọng nên việc quy hoạch chung TP. Nha Trang là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng thực tế, địa phương đã cố tình làm sai, nhiều dự án trên núi, dưới biển, tỉnh Khánh Hòa đã tự quyết định mà không xin phép Chính phủ.

Người dân và cán bộ ở Khánh Hòa trong suốt nhiều năm qua còn ngán ngẩm trước cảnh hàng loạt khu “đất vàng”, “đất kim cương” được tỉnh này thực hiện các dự án đầu tư (chủ yếu là dự án BT) không đúng quy định của pháp luật, gây thất thoát số tiền cực lớn của Nhà nước. Các khu đất này không qua đấu giá hoặc bán chỉ định, cho thuê chỉ định với giá rẻ bèo, thấp hơn giá thị trường hàng chục đến vài chục lần, thậm chí hàng trăm lần.

Một trong những dự án BT có nhiều khuất tất, được nhiều cán bộ lão thành nêu ý kiến gay gắt làm thất thoát tiền lớn của Nhà nước - đó là Dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa sử dụng gần 7.400m² tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang. Đây là khu đất đắc địa nhất Nha Trang. Theo thiết kế, tại đây sẽ là trung tâm thương mại dịch vụ với diện tích xây dựng sàn trên 60.200m²; nhà ở từ tầng 14 - 41 với diện tích sàn trên 70.200m² gồm 920 căn hộ khách sạn. Để dự án được triển khai, ngày 16/2/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thu hồi 7.388,9m² đất do Trường Chính trị tỉnh đang quản lý giao cho nhà đầu tư là Công ty Thanh Yến. Trường Chính trị mới sẽ được Công ty Thanh Yến làm theo hình thức BT ở xã Phước Đồng. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa còn giao trên 18.000m² thuộc Khu C của Dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia để hoàn vốn cho dự án BT ký túc xá Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa.

Lúc này, nhiều người dân rất bất ngờ, bởi riêng tiền “đất vàng” Trường Chính trị ở đường Trần Hưng đạo bán đi có thể mua được nhiều đất vùng ven và đầu tư công trình. Vậy nhưng tỉnh Khánh Hòa đã định giá “đất vàng” này quá bèo, thấp hơn hàng chục lần giá thị trường. Bất thường này khiến Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5883/VPCP-VI gửi UBND Khánh Hòa yêu cầu kiểm tra việc thực hiện Dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Hơn 1.000m2 “đất vàng” công sản ở số 10 Hoàng Hoa Thám (Nha Trang) cũng được Khánh Hòa giao cho doanh nghiệp thuê nhưng không qua đấu giá, gây thất thu lớn cho ngân sách.

Một trong những dự án gây bức xúc nữa là dự án mở rộng đường Mai Xuân Thưởng (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) theo hình thức BT. UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng BT với Công ty CP Khách sạn Bến du thuyền, công ty này bỏ ra số tiền làm đường gần 50 tỷ. Đổi lại, công ty này sẽ được giao 4 khu đất gồm: Khu A (gần 6.000m2), B (hơn 3.800m2), C (hơn 18.200m2) và D (hơn 19.300m2) tại khu đô thị Vĩnh Hòa. Năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất ở cho khu A, B với giá cực bèo là gần 4,7 triệu đồng/m2 rồi ra quyết định giao cho chủ đầu tư theo hình thức hoàn vốn BT. Trong khi tại thời điểm đó, đất ở các khu này có giá lên đến 200-250 triệu đồng/m2. Dư luận thắc mắc khối lượng tiền cực lớn chênh lệch này rơi vào túi ai?

Nhiều cán bộ lão thành và người dân ở Khánh Hòa không bất ngờ trước kết luận của UBKTTW. Tuy nhiên, một câu hỏi nhức nhối được đặt ra là số tiền quá lớn bị thất thoát từ việc cố tình giao, bán, cho thuê, chỉ định thuê... sai quy định do lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Khánh Hòa gây ra liệu có được thu hồi?


Bài và ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn