Ngày 3/2, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin về việc hàng loạt điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88 tại Thanh Hóa vừa bị UBND thành phố Thanh Hóa xử phạt hành chính với tổng số tiền 108 triệu đồng.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, hụi, họ, biêu, phường… thời gian qua Công an thành phố Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra hành chính đối với 7 chi nhánh, cơ sở kinh doanh cầm đồ F88 trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
Thông qua công tác kiểm tra hành chính, lực lượng Công an đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với các điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88 tại các phường: Tân Sơn, Điện Biên, Ba Đình, Quảng Tâm, Đông Sơn, Đông Thọ... vì đã vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Cụ thể, các cơ sở này vi phạm trong các lĩnh vực như: Lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản...
Căn cứ các biên bản vi phạm hành chính do Công an thành phố Thanh Hóa lập, UBND thành phố Thanh Hóa đã có các Quyết định xử phạt hành chính với các điểm kinh doanh số 1, số 4, số 7, số 10, số 15, số 26... của chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88 tại Thanh Hóa với mức phạt từ 15-18 triệu đồng với tổng số tiền là 108 triệu đồng.
Qua nghiên cứu các hợp đồng cầm cố của các điểm kinh doanh cầm đồ của F88 trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, lực lượng chức năng xác định, tuy lãi suất cầm cố và lãi suất cho vay của F88 tại thành phố Thanh Hóa đều nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép nhưng trong quá trình làm thủ tục đăng ký cho người có nhu cầu thế chấp tài sản vay tín dụng, các cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí.
Các mức phí khách hàng được yêu cầu nộp thêm như: phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (dao động từ 2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…
Bằng cách đặt ra các khoản thu để tính phí như vậy, tổng số tiền phí và lãi mà khách hàng có nhu cầu vay tín dụng phải trả rất cao.
Mặt khác, mặc dù có tính phí quản lý tài sản cầm cố nhưng các điểm kinh doanh cầm đồ của F88 trên địa bàn thành phố Thanh Hóa lại không thực hiện trách nhiệm lưu giữ tài sản cầm cố tại kho bãi bảo quản đã đăng ký với cơ quan Công an mà xây dựng các điều khoản cho khách hàng thuê, mượn lại (có tính phí) đối với chính tài sản đã cầm cố.
Đối với các khách hàng trả tiền gốc sớm so với thời hạn trong hợp đồng thì các cơ sở đã tính phí rất cao. Các chuyên gia tài chính khuyến cáo người dùng khi vay vốn tại các tổ chức, công ty tài chính hoặc các tổ chức cho vay cần tìm hiểu kỹ về quy định, thủ tục, về lãi suất, phí phạt…để tránh vượt quá khả năng trả nợ.
Công ty CP kinh doanh F88 được biết đến là chuỗi cửa hàng cầm đồ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong năm 2022, F88 đã mở 211 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 800 (tính đến thời điểm tháng 11/2022). Đến quý 3/2022, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh là 3.357,5 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng.
Trong năm 2023, F88 đặt mục tiêu sẽ là tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số 1 Việt Nam, sở hữu 1000 phòng giao dịch trên 63 tỉnh thành phố lớn trên toàn quốc.
Xem thêm video được quan tâm:
Vừa Ăn Lòng Vừa Nói Chuyện, Bệnh Nhân Nguy Kịch Vì Hóc Đoạn Lòng Luộc 25CM I SKĐS