Vì sao hàng loạt lợn rừng quý hiếm chết trong rừng Pù Mát?

10-12-2024 15:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Sức sống của lợn rừng rất lớn, khả năng sinh tồn trong các điều kiện khó khăn cũng rất cao, song khi bị nhiễm virus thì chúng vẫn yếu đi nhanh chóng và chết giống như các loài động vật khác trong tự nhiên.

Hàng chục con lợn rừng chết bất thường trong Vườn Quốc gia Pù MátHàng chục con lợn rừng chết bất thường trong Vườn Quốc gia Pù Mát

Ngày 9/12, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát (có trụ sở tại huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết, trong các cuộc tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tháng 11 vừa qua, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 21 con lợn rừng chết chưa rõ nguyên nhân.

Lợn chết do dịch bệnh?

Ngày 9/12, lực lượng chức năng Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An) đã phát hiện ít nhất 21 xác con lợn rừng hoang dã chết bất thường chưa rõ nguyên nhân trong rừng. Hiện, lực lượng chức năng đang lấy mẫu để đi tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng bất thường này.

Theo đó, thời gian gần đây lực lượng cán bộ bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát trong quá trình tuần tra rừng phát hiện nhiều cá thể lợn rừng chết bất thường. Qua bước đầu xác minh việc lợn chết không có dấu hiệu liên quan tới lý do tác động từ động vật hoặc con người săn bắn.

Qua thống kê cho thấy, có ít nhất 21 cá thể lợn rừng với cân nặng khá lớn được phát hiện chết rải rác ở nhiều khu vực trong địa phận Vườn quốc gia Pù Mát. Trước sự việc này, vườn quốc gia Pù Mát cũng đã liên hệ với Chi cục thú y tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng địa phương, tiến hành lấy mẫu từ các cá thể lợn chết để xác định rõ nguyên nhân.

Vì sao hàng loạt lợn rừng quý hiếm chết trong rừng Pù Mát?- Ảnh 2.

Cá thể lợn rừng chết bất thường ở Vườn Quốc gia Pù Mát.

Ông Lưu Trung Kiên, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: Những cá thể lợn rừng bị chết chưa rõ nguyên nhân và không hề có dấu hiệu tác động của hành vi săn bắt. Vườn Quốc gia Pù Mát cũng đã gửi thông báo tới UBND 2 huyện Con Cuông và Tương Dương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh biết và tiến hành các biện pháp lấy mẫu xét nghiệm.

GS.TS Võ Văn Sự, Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam (Hội Chăn nuôi Việt Nam) nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lợn rừng chết hàng loạt như ăn phải thức ăn chứa độc tố, nhiễm dịch tả, nhiễm virus lây lan khi tiếp xúc với lợn nhà...

Trong tình huống này, đơn vị chức năng phải thu gom ngay toàn bộ xác lợn chết, lấy mẫu xét nghiệm rồi lập tức tiêu hủy để tránh dịch bệnh lây lan rộng, ảnh hưởng đến các cá thể còn khỏe mạnh. Việc xác định nguyên nhân dịch bệnh không khó khi tiến hành lấy mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm.

"Động vật hoang dã chết hàng loạt do dịch bệnh không phải là hiếm. Rất nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt với thực trạng này. Nguyên nhân chủ yếu do chúng tiếp xúc với vật nuôi và bị nhiễm bệnh, nhiễm những loại virus đang lưu hành trong vật nuôi. Giải pháp lúc này là xử lý sạch cá thể lợn chết và tìm nguyên nhân. Do môi trường tự nhiên rất rộng lớn nên gần như không thể áp dụng như phun khử khuẩn hay tiêm phòng cho các cá thể được", GS.TS Võ Văn Sự nhận định.

Lãnh đạo Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, đây là lần đầu đơn vị ghi nhận lợn rừng hoang dã chết với số lượng lớn như vậy. Vườn Quốc gia Pù Mát nghi ngờ có dịch bệnh đang phát tán trong quần thể lợn rừng hoang dã trên địa bàn nên đã báo cáo các ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh.

Lợn rừng có tên khoa học Sus scrofa, là loài sinh sản nhanh và sống theo bầy đàn. Chúng có bộ lông sọc vằn màu xám nâu với cân nặng lên tới hàng chục đến hàng trăm kg. Bờm lông ở trên gáy mọc dài tận sống lưng là đặc điểm đặc trưng của loài. Kẻ thù trong tự nhiên của chúng là hổ, chó sói và thợ săn.

Vườn quốc gia Pù Mát được xác định là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007. Tổng diện tích của Vườn Quốc gia Pù Mát là hơn 94 nghìn ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An.

Lợn rừng có khả năng tự vệ rất cao nhưng không tránh được virus

GS.TS Võ Văn Sự cho biết, sức sống của lợn rừng rất lớn, khả năng sinh tồn trong các điều kiện khó khăn cũng rất cao song khi bị nhiễm virus thì chúng vẫn yếu đi nhanh chóng và chết giống như các loài động vật khác trong tự nhiên.

Theo các chuyên gia động vật, lợn rừng thường nhút nhát, nhưng rất thính tai thính mũi nên chỉ cần nghe thấy tiếng động nhỏ hoặc mùi lạ là ngay lập tức đánh động cả đàn để tháo chạy. Loài hổ muốn ăn thịt hay con người muốn săn bắn lợn rừng không hề dễ dàng. Chúng còn có khả năng nhớ rất tốt về nguy hiểm từng gặp. Ví dụ, lợn rừng nhận dễ dàng kiểu bẫy từng gặp để không bao giờ mắc phải.

Có hai loài là lợn đàn và lợn độc. Trong đó lợn độc chủ yếu là con đực trưởng thành, tách bầy để sống một mình. "Lợn độc ban đầu sống bầy đàn, sau đó tách ra có thể do không hợp với những con khác trong đàn, hoặc khả năng sinh sản của chúng hết", giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học cho biết.

Lợn độc có hai chiếc răng nanh lớn, cứng và sắc hơn nhiều so với lợn đàn. Đây là vũ khí lợi hại của tạo hóa giúp chúng có khả năng tự vệ chống chọi lại với bất kỳ loài nào có hành động gây hại.

Trước nguy hiểm, lợn rừng thường chọn cách im lặng để nghi binh, nếu không được thì kêu thật to để uy hiếp kẻ thù và chạy nhanh vào rừng sâu, chứ ít khi tấn công. Chỉ khi cùng đường hoặc chịu đau đớn chúng mới trở nên hung dữ, sẵn sàng chiến đấu điên cuồng. Nhất là khi bị thương bởi súng đạn, chúng sẽ không ngại lao vào tấn công bất kỳ đối tượng nào.

Đặc biệt, lợn rừng có sức chịu đựng "ghê gớm". Nếu bị trúng đạn, chúng vẫn có thể lết thêm đoạn đường dài, thậm chí còn có thể tiếp tục tấn công kẻ thù. Lợn rừng được cho là loài động vật hoang dã bị con người săn bắn nhiều nhất, cùng với đó là môi trường sống ngày càng thu hẹp, nên số lượng loài ngày càng ít đi. Con người coi thịt heo rừng là đặc sản và nanh của chúng là đồ trang sức giá trị cao, lông của chúng được sử dụng làm áo.

GS.TS Võ Văn Sự khuyến cáo, người dân khi chăn nuôi không nên thả rông lợn, gà, trâu bò... để chúng vào rừng tự kiếm ăn vì khả năng lây nhiễm virus khi có dịch bệnh là rất lớn. Nếu có nhu cầu chăn thả tự nhiên thì phải thực hiện làm rào chắn, quản lý đàn gia súc gia cầm, phòng tránh các loại dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh mới xuất hiện.

Sai lầm khi nghĩ ăn tiết canh lợn nhà nuôi, lợn mán, lợn rừng  không bị liên cầu khuẩnSai lầm khi nghĩ ăn tiết canh lợn nhà nuôi, lợn mán, lợn rừng không bị liên cầu khuẩn

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, trong năm 2016 cả nước ghi nhận 90 ca bệnh liên cầu khuẩn lợn. Bệnh này thường tăng vào dịp trước và sau Tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Do đó, ngày 13/1/ 2017, Bộ Y tế đã khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện một số biện pháp nhằm chủ động phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn.



Tô Hội
Ý kiến của bạn