Hà Nội

Vì sao Hà Nội chưa chốt môn thi thứ tư vào lớp 10?

09-03-2022 10:21 | Xã hội

SKĐS - Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa chốt có thi môn thứ tư vào lớp 10 THPT công lập hay không và môn đó là môn gì khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh thấp thỏm và lo lắng.

Hà Nội giữ ổn định phương thức tuyển sinh đầu cấp năm học 2022-2023Hà Nội giữ ổn định phương thức tuyển sinh đầu cấp năm học 2022-2023

SKĐS - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa cho biết, năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội dự kiến giữ ổn định phương thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (gồm mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) như năm học 2021-2022.

Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Nhiều tỉnh, thành đã quyết định giảm số môn thi, một số nơi lại quyết định xét tuyển để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh.

Trong khi đó, tại Hà Nội, thông tin về môn thi thứ tư hiện vẫn chưa được công bố. Lý do là gì?

Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II (năm học 2021-2022), ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ về thời điểm công bố môn thi thứ tư vào lớp 10 THPT năm nay. "Ngoài ba môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ, học sinh sẽ biết môn thi thứ tư vào tháng 3. Đây là quy định đã được duy trì trong những năm gần đây".

Ông Tiến giải thích: "Nếu công bố sớm môn thi thứ tư, học sinh không học các môn không thi, dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học".

Theo đại diện Sở GD&ĐT: "Sở GD&ĐT Hà Nội đã bàn rất nhiều về vấn đề này nhưng chúng tôi đang cân nhắc. Để trình phương án thi lên UBND thành phố, chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều yếu tố với mục tiêu tốt nhất cho thí sinh, cùng với đó, Sở phải khảo sát ý kiến của các trường, không thể tùy tiện".

Vì sao học sinh lớp 9 của Hà Nội vẫn chưa được biết môn thi thứ 4 vào lớp 10? - Ảnh 2.

Học sinh Hà Nội sốt ruột chờ đợi môn thi thứ tư vào lớp 10. Ảnh minh họa.

Giáo viên, phụ huynh và học sinh mong muốn giảm áp lực ở môn thi thứ tư vì ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài

Gia Linh - học sinh lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai chia sẻ, sau khi đi học trực tiếp trở lại 1 tuần, em đã là F0. "Đến nay, sau hơn 10 ngày nhiễm bệnh thì mặc dù kết quả xét nghiệm của em đã âm tính nhưng em vẫn ho dai dẳng, ngồi học trực tuyến ở nhà em vẫn mệt mỏi và việc học không đạt hiệu quả như mong đợi, em cảm thấy kiến thức của mình đuối đi nhiều nên rất áp lực. Việc thi 4 môn là quá sức với em".

Với các bậc phụ huynh có con dự tuyển vào lớp 10 THPT năm nay, đa phần đều có nguyện vọng chung là bỏ môn thi thứ tư để giảm gánh nặng tâm lý cho các con.

Chị Thu Hà có con đang học lớp 9 tại huyện Đông Anh sốt ruột: "Tôi rất lo lắng cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý của con mình khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội sẽ diễn ra. Thời điểm này, trường con tôi học số giáo viên và học sinh là F0 tăng lên từng ngày. Tại lớp con tôi, hơn một nửa các con đã là F0 và không biết trong thời gian tới liệu sức khỏe của các con có đảm bảo để học tiếp, ôn thi tiếp không hay không".

Theo chị Hà, việc đưa thêm môn thứ tư vào kỳ thi sẽ khiến các con áp lực, mệt mỏi vô cùng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Ngành giáo dục Thủ đô nên thích ứng với tình hình dịch, chuyển trạng thái mới phù hợp để giảm bớt ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của các con.

Trong bối cảnh năm học 2021-2022, học sinh Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nên trong những ngày qua trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, hàng loạt phụ huynh đã kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức môn thi thứ tư trong điều kiện học kỳ 1 học sinh hoàn toàn học trực tuyến và học kỳ 2 thì hoạt động dạy - học tiếp tục bị xáo trộn bởi lịch học "on-off" sẽ gây ra nhiều áp lực cho học sinh. Bên cạnh đó, chất lượng dạy học trực tuyến cũng tồn tại nhiều vấn đề, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp thu bài học và tích lũy kiến thức. Do vậy, việc tổ chức thi 4 môn sẽ khiến học sinh quá mệt mỏi và căng thẳng.

Không chỉ phụ huynh và học sinh mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội bỏ môn thi thứ tư mà nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy, ôn thi cuối cấp cũng đề xuất như vậy.

Cô Mai Thủy - giáo viên giảng dạy trực tiếp khối 9 tại quận Cầu Giấy cho biết: Lứa học sinh sinh năm 2007 này là lứa học sinh 3 năm liên tục học online, vì vậy, thành phố nên cân nhắc về việc bỏ môn thi thứ tư nhằm giảm áp lực cho học sinh. "Giờ đã gần giữa tháng 3, số giáo viên và học sinh bị COVID-19 không hề nhỏ, vì vậy mong muốn thành phố cắt bớt môn thi thứ tư để học sinh đỡ khổ, giáo viên đỡ áp lực, phụ huynh bớt lo lắng".

Liên quan đến môn thi thứ tư, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho biết: "Lứa học sinh lớp 9 năm nay hứng trọn 3 năm học bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 (2019-2020, 2020-2021, 2021-2022). Phần lớn thời gian phải học online tại nhà nên chất lượng học tập rất hạn chế. Phụ huynh và học sinh lo lắng vô cùng. Các trường cũng không biết làm sao để đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh cuối cấp. Vì vậy, tâm lý của phụ huynh và học sinh muốn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay chỉ 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ, không phải thi thêm môn thứ tư".

Thầy Khang cho rằng, kế hoạch tuyển sinh này chỉ phù hợp trong bối cảnh "bình thường cũ". Còn với tác động của COVID-19, tâm lý phụ huynh, học sinh và điều kiện học tập bị ảnh hưởng, nếu vẫn giữ nguyên phương án thi và thời gian công bố muộn như vậy là không phù hợp.

Dư luận băn khoăn rằng cùng chịu cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành suốt 3 năm ròng vừa qua, học sinh của các tỉnh thành khác trên cả nước đã được giảm tải chỉ thi 3 môn, vậy tại sao học sinh Hà Nội vẫn phải thấp thỏm chờ đợi có thi môn thứ tư hay không?. Trong khi đó, số F0 của Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước, như ngày 8/3 lên đến gần 33.000 ca COVID-19 mới, rất nhiều giáo viên và học sinh F0 tăng từng ngày?

Trước đó, năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi 4 môn bắt buộc, thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư, được Sở GD&ĐT công bố vào tháng 3 hằng năm. Năm 2020, TP. Hà Nội đã bỏ môn thứ 4 do dịch bệnh bùng phát.

F0 tăng chóng mặt, lớp chỉ có vài học sinh vẫn cố dạy trực tiếp liệu có phù hợp?F0 tăng chóng mặt, lớp chỉ có vài học sinh vẫn cố dạy trực tiếp liệu có phù hợp?

SKĐS - Sau thời gian ngắn trở lại trường học, số lượng giáo viên, học sinh là F0, F1 tăng cao khiến trường học, giáo viên gặp khó khăn trong việc tổ chức dạy học.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn