El Nino khiến bão ít hơn, thời tiết ấm hơn
Tháng 5/2023, El Nino chính thức bắt đầu khi nhiệt độ nước biển đo được cao hơn so với trung bình khí hậu 0,5 độ, ngưỡng để xác lập trạng thái El Nino. Trong những năm El Nino, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta ít hơn bình thường, chỉ bằng 70% trung bình nhiều năm.
Thời gian kết thúc hoạt động của không khí lạnh sớm hơn. Nhiệt độ trung bình các tháng cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, nhiều kỷ lục nhiệt độ có thể xuất hiện. Đặc biệt, El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%, rõ rệt nhất là khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên tại miền Trung, mùa mưa lũ năm nay lại mang dấu ấn giống như một năm chịu tác động của La Nina, thậm chí nhiều nơi xuất hiện mưa kỷ lục vượt năm 2020.
Ngày 14/10, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 do mưa lớn ở hai tỉnh Đà Nẵng và Huế trong bối cảnh hai địa phương chịu một đợt mưa đặc biệt lớn, kéo dài và diễn biến rất phức tạp.
Riêng tại Đà Nẵng, tổng lượng mưa ghi nhận trong tháng 10 là 1826mm, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào mùa mưa bão lịch sử 2020, ngập úng diện rộng đã xảy ra ở khắp thành phố ven biển này. Riêng ngày 13/10, mưa ở Đà Nẵng lên tới 409mm, cao nhất trong lịch sử. Tháng 11 cũng ghi nhận nhiều đợt mưa lớn đang diễn ra ở miền Trung, đáng kể nhất là đợt mưa bắt đầu từ 11/11 đến 17/11 do tác động của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông. Tâm mưa là Thừa Thiên Huế với 85% diện tích của tỉnh này bị ngập trong đợt mưa vừa qua.
Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết nguyên nhân đợt mưa lớn ở miền Trung đã và đang diễn ra là do không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và phía đông Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm; riêng khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 1000mm".
Trong đợt lũ này, Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nặng nhất do tâm mưa lớn nhất nằm ở khu vực này. Mực nước tại các trạm Kim Long và Phú Ốc đều trên BĐ3 và thống kê cho thấy đây là mực nước lớn nhất trong 10 năm gần đây và lớn thứ 5 trong khoảng 30 năm gần đây. Các hồ chứa đã liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt hạ du.
Đây không phải là lần đầu tiên, mưa lũ kỷ lục trong một năm El Nino. Tại Quảng Ninh năm 2015, cũng một năm El Nino, mưa lớn lịch sử đã xuất hiện vào cuối tháng 7. Trước đó, trong năm 2002, dù El Nino chi phối nhưng mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực như lũ lớn trên BĐ3 vào tháng 7 đầu tháng 8 trên sông Hồng Thái Bình hay lũ lớn Trung Bộ cuối tháng 9, trong đó có xuất hiện lũ lịch sử thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh). Theo các chuyên gia, điều đó là minh chứng cho thấy, thiên tai sẽ ngày càng dị thường và khốc liệt, trong bối cảnh trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu.
Mưa lũ ở miền Trung còn phức tạp trong thời gian tới
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Khu vực Trung Bộ tháng 12/2023 có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 15-40% so với trung bình nhiều năm. Tháng 01/2024, tổng lượng mưa phổ biến từ 20-60mm, riêng phía Nam Nghệ An - Quảng Nam phổ biến từ 60-150mm (cao hơn từ 5-20mm so với trung bình nhiều năm, riêng Ninh Thuận, Bình Thuận thấp hơn từ 5-15mm so với trung bình nhiều năm).
Tháng 2/2024 tổng lượng mưa phổ biến từ 15-30mm, riêng phía Nam Nghệ An- Quảng Nam phổ biến từ 30-60mm, (cao hơn 5-10mm so với trung bình nhiều năm); tại Quảng Ngãi đến Bình Thuận, tổng lượng mưa phổ biến 15-50mm (thấp hơn từ 5-10mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ). Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: tổng lượng mưa tháng 12/2023, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thơi kỳ. Tháng 1-2/2024, phổ biến ít mưa, tổng lượng mưa khoảng từ 5-15mm.
Dự báo xa hơn, từ tháng 3-5/2024, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng từ 60-85% và cường độ giảm dần. Bão/áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong tháng 3/2024, số ngày rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm và các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng không kéo dài.
Thực tế cho thấy trong những năm El Nino, diễn biến thời tiết và khí hậu thường rất bất thường và khó dự báo, thiên tai thường tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế xã hội, môi trường và sức khỏe người dân. Do đó cần có các kịch bản ứng phó với sự khắc nghiệt của El Nino trong thời gian tới.
Ứng phó với El Nino, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai về cảnh báo tác động của El Nino, thông tin cho các Bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện ứng phó cụ thể, trong đó tăng giám sát và tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông. Cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay mới nhất ngày 18/22: Bắc Bộ rét buốt, hanh khô, Trung Bộ chìm trong lũ / SKĐS