Cánh diều 2018 nói riêng có một số điểm tích cực, nhưng nhìn vào hiện tại và những lần trước đó, nhiều người không khỏi trăn trở với giải thưởng điện ảnh thường niên này.
Bức tranh đa sắc của thực tại
Giải Cánh diều 2018 có tổng cộng 142 phim, 2 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh dự giải. Trong đó có 14 phim truyện điện ảnh, 13 phim truyện truyền hình, 14 phim hoạt hình, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học và 26 phim ngắn. Theo NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, hạng mục phim tài liệu giải Cánh diều 2018 “được mùa” khi số lượng nhiều hơn hẳn những năm trước, đồng thời không ít tác phẩm ấn tượng. Một điểm nhấn nữa của giải Cánh diều 2018 khi phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài (phim remake) sẽ không có cửa để giành giải biên kịch, điều này nhằm đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.
Như bao mùa trước, hạng mục phim điện ảnh (phim chiếu rạp) dự giải Cánh diều luôn được dư luận và giới làm nghề quan tâm nhất. Tuy nhiên, dù năm 2018 và đầu 2019, phim điện ảnh Việt có khoảng 50 tác phẩm ra rạp nhưng chỉ có 14 phim dự tranh giải Cánh diều vàng, gồm: Mùa viết tình ca, Hồn Papa da con gái, Ống kính sát nhân, 100 ngày bên em, Song lang, Trạng Quỳnh, Siêu sao siêu ngố, Vu quy đại náo, Chàng vợ của em, Tháng năm rực rỡ, Người bất tử, Thạch Thảo, 11 niềm hy vọng, Nơi ta không thuộc về. Điều đáng ghi nhận của phim điện ảnh dự Cánh diều 2019 là đa dạng thể loại từ tâm lý tình cảm, trinh thám, hành động đến thể thao, tuổi học trò...
Một số phim điện ảnh dự tranh giải Cánh diều 2018.
Thế nhưng, nhiều người cảm thấy tiếc nuối bởi 2 phim chiếu rạp chất lượng, được khán giả yêu thích và xác lập kỷ lục doanh thu phòng vé điện ảnh Việt gần đây là Hai Phượng, Cua lại vợ bầu không dự giải. Bên cạnh đó, trong 14 phim kể trên thì chỉ duy nhất phim Nơi ta không thuộc về là do Nhà nước sản xuất (Điện ảnh Quân đội), còn lại là phim tư nhân. Chưa kể, phim điện ảnh mùa này chất lượng không thật sự đồng đều, một số phim có doanh thu cao như Siêu sao siêu ngố (110 tỷ), Chàng vợ của em (87 tỷ), Tháng năm rực rỡ (84 tỷ), Trạng Quỳnh (100 tỷ)... nhưng đa số là những tác phẩm giải trí đơn thuần hoặc phim remake. Nhưng bù lại, dù không vào top doanh thu cao nhưng phim Song Lang, Ống kính sát nhân, Thạch Thảo, Người bất tử lại mang đến cho khán giả cảm xúc, sự mới lạ cũng như êkíp làm phim trẻ hứa hẹn sẽ là thế hệ làm phim mới, văn minh cho điện ảnh Việt.
Giảm sức hút theo thời gian
Được kỳ vọng sẽ trở thành “Oscar của Việt Nam” trong tương lai, tuy nhiên, giải thưởng Cánh diều nhiều năm qua cũng như hiện tại đang dậm chân tại chỗ, giảm dần sức hút với các nhà làm phim trong nước. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền chia sẻ, nhiều tác phẩm được trao giải song người làm nghề trong nghề không phục. Đơn cử, đạo diễn Lương Đình Dũng đã lập tức trả lại giải thưởng khi phim Cha cõng con chỉ được tặng Bằng khen ở Cánh diều 2016 vì đạo diễn trẻ cảm thấy thiếu công bằng khi Cha cõng con đã giành nhiều giải thưởng quốc tế. Charlie Nguyễn khi được trao danh hiệu “Đạo diễn xuất sắc” với phim Long ruồi nhưng anh thừa nhận không vui vì tự nhận phim chưa tốt và giải thưởng này cần trao cho người xứng đáng hơn. Trong khi đó, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng không hài lòng khi Ban tổ chức cho Hot boy nổi loạn nhận bằng khen cùng Lệ phí tình yêu - một phim bị đánh giá kém về nhiều mặt.
Một nguyên nhân khác khiến giải Cánh diều đang giảm dần sức hút vì năm nào Ban tổ chức giải cũng gặp khó khăn về tài chính, vật lộn đi tìm nguồn tài trợ. NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, giải thưởng Cánh diều 2019 chỉ có 860 triệu đồng để lo cho giải nhưng 500 triệu đã và sẽ chi cho giải thưởng như làm cúp, in bằng... Các hoạt động ngoại giao, quảng bá giải đều phải nhờ sự chung tay của công ty đồng hành. Nhiều nghệ sĩ từng dự giải Cánh diều cũng không giấu giếm, một số năm, Ban tổ chức còn dùng giải pháp trao đồng giải để các phim đều được vinh danh nhằm không để... mất lòng các đơn vị, cá nhân. Thêm vào đó, lễ trao giải Cánh diều năm nào cũng có sạn, gây tranh cãi khiến người nghệ sĩ nhận giải mệt mỏi, khán giả mất cảm tình.
Không thể phủ nhận giải thưởng Cánh diều là ngày hội của những người làm phim Việt hằng năm nhằm tôn vinh những tác phẩm, nghệ sĩ (đạo diễn, biên kịch, diễn viên...) giàu dấu ấn sáng tạo và ý nghĩa nhân văn, có hiệu quả xã hội tích cực. Vì thế, giới làm nghề cũng như khán giả kỳ vọng ở giải thưởng này một kết quả thích đáng, công tâm cùng sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Ban tổ chức để hấp dẫn hơn. Để trở thành một ngày hội điện ảnh Việt thực sự, nhiều ý kiến mong rằng Ban tổ chức giải Cánh diều nên xây dựng niềm tin, tôn vinh đúng tài năng và thay đổi cơ cấu tổ chức chấm giải và trao giải chứ không nên tái diễn những bất cập, tồn tại nói trên.