Vì sao giác mạc bé Hải An lại được ghép cho 2 người lớn thay vì ghép cho trẻ nhỏ?

06-03-2018 14:28 | Y học 360
google news

SKĐS - Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trong 10 ngày qua lên đã có 604 người đến Trung tâm đăng ký hiến tạng (từ ngày 25/02-06/03/2018).

Thời gian gần đây có nhiều câu hỏi gửi tới Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người hỏi về đôi giác mạc của bé gái Nguyễn Hải An (7 tuổi, bị ung thư đã hiến giác mạc sau khi qua đời) vì sao không được ghép cho hai em nhỏ khác mà lại ghép cho những người lớn tuổi.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, việc ghép 2 giác mạc của bé Hải An cho 2 người lớn có lý do như sau:

- Điều kiện đầu tiên trong việc cấy ghép giác mạc là giác mạc của người cho phải có chỉ số hòa hợp với bệnh nhân được ghép để tránh hiện tượng đào thải sau ghép gây lãng phí nguồn giác mạc. Các chỉ số giác mạc của bé Hải An phù hợp với 2 bệnh nhân đã được ghép.

- Do nguồn giác mạc rất hạn chế, danh sách chờ ghép luôn cao hơn nhiều lần số giác mạc được cung cấp. Vì vậy, theo các tiêu chí của Hội đồng chuyên môn đã thống nhất, khi có giác mạc, những người hỏng cả 2 mắt sẽ được ưu tiên trước theo thứ tự đã đăng ký chờ ghép. 2 bệnh nhân được ghép giác mạc của bé Hải An thuộc số thứ tự chờ lâu nhất trong danh sách chờ ghép. Trong khi đó, các cháu nhỏ trong danh sách chờ ghép chỉ hỏng 1 bên giác mạc.

Bệnh nhân ung thư có hiến mô tạng được hay không?

Trả lời câu hỏi, bệnh nhân ung thư có hiến mô tạng được hay không? Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, do sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cho mô, tạng nên một số nước trên thế giới vẫn sử dụng các bộ phận cơ thể từ những bệnh nhân ung thư để lại để cấy ghép cho những người bệnh có nhu cầu.

Những người bệnh như ung thư hay đã từng điều trị bệnh ung thư hoàn toàn có thể đăng ký hiến tạng hoặc mô sau khi chết/ chết não.

Đặc biệt, giác mạc là bộ phận mà người bệnh ung thư có thể hiến tặng sau khi qua đời. Tại Việt Nam, đã có một số người bệnh ung thư hiến tặng giác mạc khi qua đời, các giác mạc của họ để lại đều cho kết quả tốt trên người ghép.

Ảnh minh hoạ.

 

Trường hợp nào bị cấm hiến, lấy, ghép tạng?

Theo quy định tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, nếu không đủ các điều kiện trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.

Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô, tạng còn phải bảo đảm nguyên tắc sau: Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Không nhằm mục đích thương mại. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, việc hiến, lấy, ghép tạng còn phải tuân thủ quy định tại Điều 11 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác. Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi. Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Ai có thể hiến tạng?

Bất kỳ ai từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác.

Pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. (Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác).

Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ trong đơn đăng ký hiến tặng, tuy nhiên khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì trong trường hợp nếu đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não mà gia đình không biết sẽ khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế hoặc tránh sự phản đối của gia đình trong trường hợp hiến làm cho người muốn hiến không thực hiện được ý nguyện hiến tặng của mình.

 

1. Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia - Bộ Y tế

Địa chỉ: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội: Tầng 2, nhà C2, Bệnh viện Việt Đức

Điện thoại: 091.5060550 hoặc 024.39386693

2. Bệnh viện Chợ Rẫy

Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.39560139/028.38554137-184; 0913677016.

 


D.Hải
Ý kiến của bạn