Lâu ngày, lưu lượng máu chảy qua động mạch bị ảnh hưởng, không mang đủ máu cho các bộ phận khác trong cơ thể, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tắc động mạch chi dưới…
Máu nhiễm mỡ đặc trưng bởi yếu tố gì?
Mỡ máu đặc trưng bởi cholesterol, hay còn gọi là lipid máu có vai trò quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể. Cholesterol có thể được nạp vào cơ thể qua các thực phẩm hoặc do cơ thể tạo ra. Cholesterol có 2 loại là Cholesterol tốt (HDL) và Cholesterol xấu (LDL).
Chế độ ăn chứa nhiều chất béo chính là nguyên nhân hàng đầu gây tăng cholesterol trong máu, dẫn tới bệnh máu nhiễm mỡ. Trước kia, căn bệnh này chủ yếu xuất hiện ở những người độ tuổi 40 trở lên, tuy nhiên gần đây đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen sống thiếu lành mạnh. Việc ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, béo phì và lười vận động là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh máu nhiễm mỡ. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
Nguyên nhân máu nhiễm mỡ ở người gầy
Thực tế hầu hết trường hợp máu nhiễm mỡ là những người thừa cân, béo phì, có hàm lượng cholesterol trong máu cao do ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Thế nhưng người gầy cũng có thể mắc bệnh này song nguyên nhân gây bệnh là do yếu tố di truyền và rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Khi cơ thể bị rối loạn chuyển hóa lipid máu thì bất kể người thừa cân béo phì hay người gầy cũng mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Vậy tình trạng này xảy ra như thế nào? Sau khi ăn từ 2 - 3 giờ, mỡ trong thực phẩm được cơ thể hấp thu, chuyển hóa vào máu và đạt mức cao nhất sau 4 - 6 giờ. Sau khi ăn khoảng 9 giờ, nồng độ mỡ máu sẽ về mức bình thường.
Việc mỡ máu tăng nhiều hay ít, thời gian chuyển hóa nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào loại mỡ, hoạt động của nhu động ruột, mật bài tiết, men lipase của ruột và tụy, thời gian mỡ thoát khỏi dạ dày và lượng mỡ máu ban đầu.
Thường khi mỡ trong máu đã tăng, việc ăn thêm mỡ không khiến lipid máu tăng quá cao do cơ chế tự điều chỉnh hàm lượng mỡ. Cơ chế này diễn ra như sau: Khi Lipid máu cao đạt đến ngưỡng nhất định sẽ kích thích ức chế hấp thu lipid ở ruột, hoạt hóa chức năng cố định mỡ của phổi, hệ lưới nội mô bị kích thích tăng tiết hormone và heparin. Nếu hoạt động của 1 bộ phận liên quan nào gặp vấn đề thì người bệnh bị rối loạn quá trình tự điều chỉnh lipid máu.
Hơn nữa, nhiều người gầy nhưng có lối sống không lành mạnh, ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, lười vận động thì nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ cũng cao hơn. Ngoài ra, một số người mắc rối loạn di truyền tăng cholesterol máu thì dù gầy hay béo cũng khiến mỡ trong máu cao.
Nồng độ cholesterol trong máu cũng phụ thuộc vào độ tuổi, người càng lớn tuổi thì mỡ máu càng có xu hướng tăng cao. Vì thế Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi người từ 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol và các nguy cơ bệnh lý khác sau mỗi 4 - 6 năm.
Chế độ dinh dưỡng cho người gầy bị máu nhiễm mỡ
Cụ thế trong chế độ ăn uống này nên bổ sung các loại thực phẩm và dinh dưỡng sau:
- Chất xơ: Người bệnh nên bổ sung cả 2 loại chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan đều giúp cơ thể giảm cholesterol hiệu quả. Mặc dù cơ thể không chứa enzym tiêu hóa chất xơ nhưng khi đi vào ruột, chất xơ ngậm nước liên kết mang theo cholesterol dư thừa từ cơ thể ra ngoài.
Chất xơ hòa tan có trong đậu và yến mạch, chất xơ không hòa tan có trong các loại rau, trái cây, ngũ cốc. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người gầy bị máu nhiễm mỡ cần ăn từ 400 - 500g rau củ mỗi ngày.
- Đậu nành: Bổ sung 25g protein đậu nành mỗi ngày giúp giảm quá trình sản xuất cholesterol ở gan, loại bỏ cholesterol xấu khỏi máu. Bạn có thể bổ sung qua chế phẩm từ đậu nành như: Đậu phụ, sữa chua đậu nành, hạt đậu nành, sữa đậu nành,…
- Omega-3: Omega-3 có nhiều trong cá, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi. Ngoài ra, các loại hạt, đậu nành, hạt lanh, cải dầu, quả óc chó cũng chứa nhiều loại acid béo này. Người gầy bị mỡ trong máu cao có nguy cơ lớn mắc bệnh tim mạch, omega-3 giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ biến chứng này.
- Chất béo tốt: Thay vì mỡ động vật, dầu động vật, người bệnh máu nhiễm mỡ nên sử dụng thay thế bằng các loại chất béo không bão hòa. Những chất béo này không làm tăng mức cholesterol trong máu, hơn nữa còn có khả năng cân bằng lipid máu. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt như: Bơ, dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu ngô, các loại hạt,…
- Ngoài chế độ ăn kiểm soát chất béo nạp vào, bệnh nhân máu nhiễm mỡ cần lưu ý tập thể dục, tăng cường vận động giúp tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu gây ra các bệnh lý tim mạch. Người bệnh cũng cần kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, xét nghiệm máu 3 - 6 tháng/lần để được theo dõi lipid máu, tư vấn chế độ ăn uống và điều trị.
Xem thêm video được quan tâm
Nhầm lẫn giữa bệnh hen và COPD nguy hiểm như thế nào? I SKĐS