Việc chỉ có hơn 660.000 thí sinh nhập nguyện vọng đồng nghĩa gần 292.000 thí sinh từ bỏ cơ hội vào đại học, bởi hệ thống đã đóng chức năng này. Hệ thống cũng ghi nhận tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký là hơn 3,4 triệu. Trung bình, một thí sinh nhập lên hệ thống 5,15 nguyện vọng xét tuyển, gần tương đương năm 2022.
Lý giải về điều này, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp cho rằng có nhiều nguyên nhân như điều kiện kinh tế khó khăn nên học sinh không học đại học; chọn con đường học nghề để nhanh ra trường có việc làm và thu nhập. "Một số khác rất đông đi làm luôn tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI... Cũng không ít học sinh làm kinh tế hộ gia đình, ngoài ra một số ít đi du học".
Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh con số hơn 290.000 thí sinh từ chối cơ hội xét tuyển vào đại học cũng là cơ hội cho các trường nghề tuyển các em.
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, trong đợt nhập học đầu tiên đã có gần 700 thí sinh nhập học. Theo TS. Lê Danh Quang - Trưởng khoa Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, trong số thí sinh nhập học có rất nhiều thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cao từ 22-26 điểm.
"Việc lựa chọn học nghề hay học đại học được nhiều phụ huynh, học sinh nhận thức rõ hơn trong một hai năm trở lại đây khi thực tế có nhiều sinh viên phải cất bằng đại học để đi học nghề. Bởi vậy, nhiều em đã xác định học nghề từ rất sớm. Với các sinh viên này, nhà trường có chính sách học bổng, giảm học phí để động viên các em", TS. Lê Danh Quang cho biết.
Năm ngoái, cả nước có 315.993 thí sinh bỏ xét tuyển đại học khiến dư luận quan tâm. Thời điểm đó, lý giải về điều này - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết lý do quan trọng dẫn đến con số này cao là bởi thí sinh được đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thức thấy không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học nên đã không đăng ký nữa.
Cũng theo đại diện Bộ GD&ĐT, qua phân tích dữ liệu xung quanh con số 315.993 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển, có thể thấy hầu hết thí sinh đều có mức điểm thi rất thấp, dưới 15 điểm/tổ hợp 3 môn, nhất là ở các khối A0, A1 và B0.
Hiện, hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đã đóng chức năng đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng. Từ ngày 31/7, thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến.
Lịch nộp lệ phí xét tuyển đại học theo tỉnh, thành như sau:
Từ 31/7 đến 17h ngày 1/8: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái
Từ 1/8 đến 17h ngày 2/8: Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
Từ 2/8 đến 17h ngày 3/8: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An
Từ 3/8 đến 17h ngày 4/8: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.
Từ 4/8 đến 17h ngày 5/8: TP HCM, Gia Lai, Đăk, Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh.
Từ 5/8 đến 17h ngày 6/8: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.