Chỉ cảnh báo chứ khó dự báo được dông lốc
PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (DBKTTVQG), Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện tượng dông lốc xuất hiện chiều 19/7 do tác động hoạt đối lưu phát triển trên dải hội tụ nhiệt đới vắt qua Bắc Bộ và điều kiện nhiệt độ cao liên tiếp trong 3 ngày trước đó tạo nên vùng khí quyển bất ổn định mạnh. Trong điều kiện này, dòng thăng phát triển mạnh, tạo điều kiện thuận lợi hình thành mây đối lưu.
Loại hình thời tiết nguy hiểm này thường xảy ra nhanh, cường độ mạnh, phạm vi hẹp nhưng gây thiệt hại rất lớn nếu không có những giải pháp phòng bị chu đáo.

Dông lốc khiến cây cối gãy đổ ở Hà Nội chiều ngày 19/7 vừa qua.
Tại khu vực vịnh Hạ Long, nơi có địa hình vịnh kín, xen kẽ núi đá vôi, dông có thể xảy ra nhưng các trận dông có cường độ rất mạnh như ngày 19/7 vừa qua với gió giật 26m/s (tương đương cấp 10) là tương đối hiếm gặp. Mức độ dữ dội của nó phản ánh rõ xu hướng thời tiết cực đoan gia tăng-một dấu hiệu rõ rệt của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trả lời câu hỏi vì sao lại khó dự báo dông lốc, ông Mai Văn Khiêm cho biết, trong số 19 loại hình thiên tai liên quan đến khí tượng thủy văn, có những loại hình thành và duy trì trong thời gian dài, như bão, nắng nóng, hạn hán, chúng ta có thể quan sát và dự báo tốt.
"Nhưng với dông, hiện tượng quy mô rất nhỏ, xuất hiện nhanh, kết thúc cũng nhanh nên không thể dự báo mà chỉ có thể cảnh báo", ông Khiêm nói.
Cục Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị dự báo Trung ương và địa phương tăng cường theo dõi, cập nhật liên tục ảnh mây, dữ liệu radar. Cụ thể, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh đã phát 2 bản tin cảnh báo lúc 11 giờ 45 phút và 13 giờ 30 phút ngày 19/7, trong đó rõ ràng cảnh báo về mưa dông, lốc, sét có thể ảnh hưởng đến khu vực Bãi Cháy và Hạ Long.
Dông, lốc rất khó dự báo chính xác về thời gian, địa điểm cụ thể xuất hiện vì tính chất đột ngột và quy mô nhỏ của nó. Thường chỉ có thể cảnh báo trước thời gian rất ngắn (khoảng 25-30 phút, dài nhất là 1 tiếng).
Thông tin cảnh báo được gửi tới hệ thống ban chỉ đạo phòng thủ dân sự các cấp, các cơ quan chuyên trách và phát qua nhiều nền tảng số, truyền hình, báo chí. Tuy nhiên, do tính chất nhanh, mạnh, cục bộ của dông lốc, việc người dân kịp tiếp nhận và phản ứng vẫn là một thách thức, đặc biệt tại các khu du lịch ven biển.
Dông lốc đôi khi nguy hiểm hơn bão
GS.TS Phan Văn Tân, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khí tượng, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, dông lốc trong một số trường hợp còn tệ hại và nguy hiểm hơn cả bão. Vì bão còn nhìn thấy được vị trí, phạm vi ảnh hưởng, trong khi dông lốc có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, thường chỉ ảnh hưởng đến một khu vực hẹp. Dông lốc không thể dự báo mà chỉ có thể cảnh báo. Đây là sự hình thành do hiện tượng đối lưu rất mạnh trong không khí. Dông lốc thường xuất hiện trong các đám mây dông khi đối lưu phát triển mạnh. Cảnh báo dông lốc vì thế phải dựa vào quan sát các ổ đối lưu, phát hiện được nhờ ảnh radar hoặc vệ tinh.
GS.TS Phan Văn Tân phân tích, sức gió trong bão rất mạnh, được phân cấp rõ ràng. Sức gió của dông lốc tùy từng trường hợp có thể mạnh hơn hoặc không mạnh bằng bão. Nhưng tính sát thương chủ yếu là do gió giật. Gió giật trong dông, lốc rất khủng khiếp, có thể tăng mạnh đột ngột.
Dông lốc không kéo dài, chỉ khoảng 15 - 30 phút. Nếu dài hơn thì tầm khoảng dưới 1 tiếng và không thể kéo dài hơn được nữa. Tuổi thọ của nó rất ngắn. Trong khi đó, bão có thể tồn tại trong nhiều ngày, thậm chí 1-2 tuần, di chuyển một chặng đường dài.
Bão tồn tại lâu như vậy nên có thể dự báo sớm hơn (vài ngày đến một tuần) nhờ các hệ thống dự báo khí tượng thủy văn.
Dông lốc thì không thể dự báo mà chỉ có thể cảnh báo. Đây là hiện tượng hình thành do hiện tượng đối lưu rất mạnh trong không khí. Dông lốc thường xuất hiện trong các đám mây dông khi đối lưu phát triển mạnh. Cảnh báo dông lốc vì thế phải dựa vào quan sát các ổ đối lưu, phát hiện được nhờ ảnh radar hoặc vệ tinh.
GS.TS Phan Văn Tân cũng chung nhận định là rất khó dự báo chính xác về thời gian, địa điểm cụ thể xuất hiện dông lốc vì tính chất đột ngột và quy mô nhỏ của nó. Thường chỉ có thể cảnh báo trước một thời gian rất ngắn (khoảng 25 - 30 phút, dài nhất là 1 tiếng).
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới hiện nay, các cơn dông lốc cũng khó dự báo sớm. Người ta chỉ có thể giám sát bằng cách đặt nhiều radar vì vệ tinh khoảng cách quá xa. Điều quan trọng nhất trong dự báo là không thể nói chính xác tuyệt đối mà chỉ mang tính xác suất. Vì vậy, khi đã có bản tin dự báo, cảnh báo dù có thể xảy ra hay không thì thông tin cũng cần ngay lập tức được tiếp nhận và triển khai ứng phó phù hợp.
Vì vậy, tính kịp thời để ứng phó bị hạn chế. Một giải pháp mà Cục Khí tượng thủy văn đang triển khai là cung cấp cảnh báo trực tuyến trên trang thông tin cảnh báo dông, sét: https://iweather.gov.vn/. Trang thông tin này cung cấp liên tục các số liệu vệ tinh, radar, định vị sét và các cảnh báo dông, sét cho 1 tiếng tới, cập nhật liên tục 10 phút/lần.
Để sử dụng, người dân có thể truy cập website: https://iweather.gov.vn/ để kiểm tra tức thời các đám mây dông ở khu vực của mình xem dự báo trong khoảng 1 giờ tới, các vùng mây dông có phát triển tới khu vực của mình hay không để chủ động cho các hoạt động hằng ngày, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời.
Người dân cần lưu ý, dông lốc, sét thường xuất hiện bất ngờ, phạm vi hẹp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Khi có cảnh báo mưa dông thì hạn chế ra ngoài, đặc biệt là các khu vực trống trải, ven biển, trên cao; tránh trú ở dưới những cây to, cột điện, khu vực gần sông, hồ và không sử dụng thiết bị điện tử cầm tay khi đang di chuyển ngoài trời.
Với người đi biển, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng về lệnh cấm ra khơi, kể cả khi thời tiết tạm thời yên ổn. Các đơn vị du lịch cần có phương án ứng phó khẩn cấp, chủ động theo dõi bản tin dự báo ngắn hạn, cảnh báo; phối hợp chặt chẽ với cơ quan khí tượng để cập nhật thông tin nhanh chóng.
Nếu dông lốc xảy ra khi đang di chuyển trên đường, cần tìm nơi trú ẩn an toàn (trong nhà kiên cố, tránh xa cây to, cột điện, nơi trống trải). Tuyệt đối không dùng điện thoại di động ngoài trời, không đứng gần cửa sổ, cửa ra vào bằng kim loại; ngắt thiết bị điện không cần thiết, tránh sét đánh lan truyền qua đường dây điện.
