1. Vì sao phụ nữ mang thai bị trầm cảm?
Những nguyên nhân có thể dẫn đến trầm cảm trong thời kỳ mang thai là:
- Thay đổi nội tiết khi mang thai.
- Mang thai ngoài ý muốn.
- Lo lắng căng thẳng về kinh tế.
- Mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng, căng thẳng trong chuyện chăm sóc con.
- Ly thân hay ly hôn, bà mẹ đơn thân.
- Gia đình có nhiều con.
- Không có sự giúp đỡ của xã hội hoặc có những stress liên quan đến những hủ tục phong kiến như mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bắt buộc sinh con trai.
Tỷ lệ trầm cảm liên quan đến thời kỳ thai sản có thể ảnh hưởng tới 15% phụ nữ.
2. Biểu hiện của trầm cảm khi mang thai
Phụ nữ mang thai có tâm trạng buồn vui thất thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng buồn bã, căng thẳng có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày có thể là triệu chứng của trầm cảm thai kỳ.
Bệnh nhân thường có những biểu hiện: Mệt mỏi ăn kém, hay quên, mất tập trung chú ý, buồn chán, bi quan ngại tiếp xúc với mọi người, không quan tâm chăm sóc đến bản thân…
3. Mối nguy khi không điều trị
- Nếu không được điều trị, thai phụ bị trầm cảm sẽ không chăm sóc bản thân, không ăn đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và con. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi: Trẻ có nguy cơ bị sinh non khi chưa đủ ngày tháng, cân nặng thấp, có thể chết chu sinh và tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai với mẹ.
- Trầm cảm trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến những vấn đề rối loạn về cảm xúc, hành vi, nhận thức và vận động ở trẻ.
- Trầm cảm trong thời kỳ mang thai nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mẹ và con, điều này dẫn đến sự chậm phát triển ở trẻ em.
- Những trẻ có mẹ bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai có thể có những sự bất thường trong điều hòa hoạt động của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận và có những nguy cơ cao phải vào nằm điều trị ở những đơn vị hồi sức. Khi lớn lên trẻ gặp phải những nguy cơ như khó khăn trong tương tác xã hội, thể hiện những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn tích cực và có những sự phát triển về cảm xúc không tốt trong quá trình trưởng thành.
Trầm cảm trong thời kỳ mang thai nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.
4. Điều trị trầm cảm ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai
4.1. Liệu pháp không dùng thuốc
Biện pháp không dùng thuốc được ưu tiên trước, đặc biệt với những trường hợp nhẹ và vừa. Các biện pháp này có thể giúp tránh cho thai nhi/trẻ phơi nhiễm với thuốc chống trầm cảm, tránh những nguy cơ đã được biết/chưa được biết đối với thai nhi liên quan đến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Có thể sử dụng các biện pháp:
- Giáo dục bệnh nhân về vấn đề trầm cảm và giai đoạn trầm cảm sau sinh.
- Liệu pháp tâm lý như liệu pháp hành vi nhận thức, phân tâm học.
- Điều chỉnh lối sống: Duy trì chế độ ăn lành mạnh, không sử dụng rượu bia chất kích thích thuốc lá.
- Thường xuyên tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp.
- Giảm stress.
- Ngủ đủ giấc, thư giãn.
Phụ nữ mang thai nên thường xuyên tập luyện nhẹ nhàng.
4.2. Liệu pháp dùng thuốc trị trầm cảm cho bà bầu
Liệu pháp dùng thuốc được cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân trầm cảm nặng. Những loại thuốc có thể sử dụng trong thời kỳ mang thai:
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin – SSRI (citalopram và sertraline): Thuốc có thể gây nhẹ cân và sinh non, nhưng không có sự liên quan đến khuyết tật ở trẻ. Tuy nhiên, loại thuốc paroxetine có thể có nguy cơ gây bất thường về tim mạch ở trẻ và không nên dùng trong giai đoạn mang thai.
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và norepinephrine – SNRIs (các nhóm duloxetine và venlafaxine): Loại thuốc này cũng được cân nhắc lựa chọn trong thời kỳ mang thai.
- Thuốc bupropione, amitriptyline: Thuốc này không phải là sự lựa chọn hàng đầu để sử dụng trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, trong những trường hợp khi không đáp ứng được các thuốc SSRI và thuốc SNRIs, có thể cân nhắc việc lựa chọn thuốc này. Lưu ý, thuốc này có thể có nguy cơ gây dị dạng tim mạch, sẩy thai hoặc có thể có một số dị tật khác.
5. Nguy cơ khi sử dụng thuốc trầm cảm khi mang thai
- Nếu người bệnh được sử dụng thuốc chống trầm cảm trong 3 tháng cuối của thai kỳ, sau khi sinh ra trẻ có thể có những triệu chứng và dấu hiệu tạm thời của việc dừng thuốc chống trầm cảm như hơi run chân tay, kích thích, ăn kém và thở yếu, kéo dài khoảng 1 tháng sau sinh.
Tuy nhiên không có bằng chứng nào chứng tỏ việc giảm bớt thuốc chống trầm cảm trong giai đoạn gần cuối của thai kỳ làm giảm đi những dấu hiệu này ở trẻ mà có thể làm tăng nguy cơ tái mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt là trầm cảm nặng.
- Chưa có bằng chứng về nguy cơ giữa việc sử dụng thuốc chống trầm cảm trong thời kỳ mang thai và những nguy cơ như tăng động giảm chú ý, tự kỷ ở trẻ sau này.
- Có một vài nghiên cứu gợi ý có sự liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm sử dụng trong thời kỳ mang thai và đái tháo đường thai kỳ đặc biệt là loại venlafaxine và amitriptylin.
6. Lời khuyên thầy thuốc
- Việc sử dụng thuốc trị trầm cảm cho phụ nữ mang thai cũng cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
- Vấn đề quan tâm lớn nhất là nguy cơ dị tật do phơi nhiễm với thuốc chống trầm cảm ở trẻ. Nhưng nhìn chung, nguy cơ này thường rất thấp. Một số thuốc có nguy cơ cao hơn so với loại khác vì vậy lựa chọn thuốc có vai trò quan trọng, cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm trong giai đoạn thai kỳ cần sử dụng đơn trị liệu và ở liều thấp nhất có thể, đặc biệt ở 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
- Tuyệt đối không được tự ý tăng, giảm hay ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Trong quá trình điều trị, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.