Vì sao điều trị đồng nhiễm HIV/lao còn nhiều khó khăn?

05-12-2024 11:00 | Dược
google news

SKĐS - Điều trị cho người bệnh đồng nhiễm HIV/lao còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó, người được điều trị thường ở giai đoạn muộn...

Nguyên nhân nào khiến điều trị đồng nhiễm HIV/lao gặp nhiều khó khăn?

Theo TS.BS. Hoàng Thị Phượng, Nguyên Trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, các nguyên nhân khiến điều trị lao ở người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn là do:

- Bệnh nhân điều trị thường ở giai đoạn muộn: Các trường hợp bệnh nhân HIV mắc lao thường ở giai đoạn cuối, có thể gọi là giai đoạn AIDS. Lúc này sức khỏe của người bệnh đã suy kiệt trầm trọng, trong khi điều trị cần phải dùng cả thuốc điều trị lao và HIV. Cả hai nhóm thuốc này đều có những tác dụng phụ nặng nề như dị ứng thuốc, suy gan, suy thận.

Trong khi thể trạng của bệnh nhân rất kém, suy kiệt, gầy yếu... việc dung nạp thuốc của nhóm bệnh này giảm mà nguy cơ gặp phải tác dụng phụ lại cao. Hơn nữa hai loại thuốc này cũng có những tương tác thuốc bất lợi, do đó việc điều trị hiệu quả cũng bị hạn chế nhiều.

Vì sao điều trị đồng nhiễm HIV/lao còn nhiều khó khăn?- Ảnh 1.

Bệnh nhân cần được điều trị tích cực để kiểm soát bệnh tốt.

Đây không chỉ là khó khăn trong kết quả điều trị mà còn là khó khăn cho cả bác sĩ. Bởi trong quá trình thực hành, bác sĩ phải theo dõi rất sát và xử lý những biến cố bất lợi của hai nhóm thuốc này xuất hiện ở trên cùng một bệnh nhân. Đó là một khó khăn lớn trong quá trình kiểm soát bệnh lao cho nhóm người HIV.

- Khó khăn bởi sự kỳ thị: Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình điều trị bệnh lao cho người nhiễm HIV đó là sự kỳ thị. Trên thực tế, có không ít trường hợp người nhiễm HIV hoặc lao bị xa lánh. Không chỉ cộng đồng mà ngay cả người thân của nhóm bệnh nhân này cũng kỳ thị. Do đó, nhiều bệnh nhân HIV đã không tự nguyện chia sẻ cũng như đi khám bệnh định kỳ, nhằm được phát hiện sớm bệnh và có biện pháp điều trị sớm.

- Tâm lý buông bỏ: Quá trình điều trị HIV/lao rất khó khăn cũng như cần sự kiên trì, nên không ít bệnh nhân và gia đình khi thấy bệnh diễn biến nặng đã có tâm lý từ bỏ, không muốn tiếp tục điều trị nữa...

Giải pháp giảm khó khăn cho điều trị lao ở người nhiễm HIV

Theo TS.BS. Hoàng Thị Phượng, khi bệnh nhân được quan tâm và điều trị tích cực sẽ có cơ hội điều trị bệnh khỏi. Nhiều người bệnh khi nhận được sự quan tâm săn sóc của gia đình, động viên điều trị tốt nên đã kiểm soát được bệnh và cải thiện sức khỏe khá tốt.

Vì sao điều trị đồng nhiễm HIV/lao còn nhiều khó khăn?- Ảnh 3.

Khi bệnh nhân được chia sẻ, động viên tích cực sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn

Trước đây, Việt Nam chưa có thuốc điều trị và có ít thông tin về căn bệnh này, nhưng hiện nay bệnh lao kháng thuốc, kể cả siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị.

Trong điều trị lao có những nguyên tắc cần nhớ:

  • Đủ thuốc
  • Đủ liều
  • Đủ thời gian và liên tục, tuyệt đối không được ngắt quãng dù chỉ 1 ngày, vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại.
  • Thông thường điều trị lao chia làm 2 đợt: Đợt tấn công - thường gồm 4 thuốc và đợt duy trì - thường gồm 2 thuốc.

Người đồng nhiễm HIV/ lao cần được ưu tiên điều trị bằng thuốc ARV ngay sau khi bắt đầu điều trị lao. Gia đình người nhiễm HIV/lao cần chia sẻ, động viên để họ không cảm thấy bị phân biệt đối xử, kỳ thị, giúp người bệnh tự tin, không tự kỳ thị bản thân, yên tâm điều trị để tái hòa nhập cộng đồng.

Mời độc giả xem thêm video:

Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm tuổi thanh thiếu niên.


Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn