Dị ứng mắt thường xảy ra vào mùa xuân. Khi đó cây, cỏ và hoa lá nở rộ. Người nhạy cảm tiếp xúc với các phấn hoa, dị nguyên và sau đó chạm vào mắt của họ gây nên dị ứng.
Việc xác định chính xác nguyên nhân và điều trị phù hợp sẽ làm giảm tình trạng bệnh, tránh các biến chứng xấu cho mắt.
Nguyên nhân và dấu hiệu dị ứng mắt
- Nguyên nhân
Dị ứng mắt gây ra do một phản ứng miễn dịch bất lợi với một dị nguyên nhất định. Hầu hết các phản ứng được kích hoạt bởi chất gây dị ứng trong không khí như: phấn hoa, lông thú, nấm mốc, khói, bụi.
Phản ứng dị ứng mắt thường xảy ra với những người nhạy cảm tiếp xúc với dị nguyên. Bên cạnh đó, nếu bạn bị dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng ở mắt.
Ở những người bị dị ứng mắt, hệ thống miễn dịch coi chất gây dị ứng vô hại như một kẻ xâm nhập nguy hiểm và phản ứng chống lại nó. Histamine được giải phóng khi mắt tiếp xúc với dị ứng nguyên.
Dị ứng thức ăn cũng có thể gây ra các triệu chứng dị ứng ở mắt.
Tác dụng phụ của một số mỹ phẩm hoặc các loại thuốc như thuốc nhỏ mắt kháng sinh cũng có thể gây dị ứng mắt.
- Dấu hiệu nhận biết
Một số dấu hiệu cơ bản của dị ứng mắt, các triệu chứng có thể xảy ra ở 1 hoặc 2 mắt:
- Mắt ngứa, đỏ, cảm giác mắt bị bỏng rát.
- Chảy nước mắt; mắt đỏ hoặc hồng.
- Mắt có gỉ. Mi mắt sưng tấy, sưng húp, phù mọng kết mạc...
- Một số trường hợp còn kèm theo chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, hắt hơi, ngứa mũi, miệng hoặc cổ họng, đau đầu do tắc nghẽn xoang,…
- Cảm thấy mệt mỏi và thiếu ngủ.
Nên điều trị dị ứng mắt như nào?
Cách tốt nhất để điều trị dị ứng mắt là tránh các chất gây dị ứng.
Hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị khác nhau để giảm các triệu chứng dị ứng mắt. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kéo dài sẽ làm cho các mạch máu trở nên nhỏ và phụ thuộc vào tác dụng co mạch của thuốc.
Miễn dịch liệu pháp là phương pháp tạo miễn dịch cho cơ thể bằng cách tiêm một lượng rất nhỏ các dị ứng nguyên để cơ thể từ từ sản xuất ra các kháng thể chống lại các chất dị ứng. Phương pháp này không hoàn toàn hiệu quả bởi mỗi lần cơ thể bạn có thể dị ứng với các chất khác nhau.
Bên cạnh đó có thể sử dụng biện pháp tự nhiên như: đắp khăn ẩm và mát có thể làm nhẹ triệu chứng cho mắt bị dị ứng.
Các tổn thương khi dị ứng mắt
Nếu bị dị ứng mắt không được điều trị đúng sẽ gây các tổn thương mắt đó là:
- Viêm giác mạc, có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh như là sẹo giác mạc, lồi mắt cua, thủng nhãn cầu, thậm chí là đánh mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
- Viêm kết mạc dị ứng. Đây là bệnh thường gặp của kết mạc, sau khi tiếp xúc, mi mắt và kết mạc sưng phù. Mắt đỏ, cộm có nhiều dử ghèn, một số trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc.
- Viêm nội nhãn là các phản ứng viêm trong mắt gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn hoặc chấn thương các tổ chức, mô trong nhãn cầu. Bệnh viêm nội nhãn có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thị lực cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Hạn chế và phòng ngừa dị ứng mắt
Dị ứng tại mắt không khó điều trị, người bệnh cần chú ý đến các biểu hiện và đi khám sớm, không tự ý điều trị. Cách phòng bệnh đơn giản và phổ biến nhất là:
- Thường xuyên đi khám mắt theo dõi.
- Dùng kính bảo hộ khi chơi các môn thể thao, làm các công việc ở khu công nghiệp, chế xuất, đi xe đạp, đi xe máy…
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với các phần tử gây dị ứng mắt.
- Cần giữ môi trường sống sạch sẽ, hút bụi các ngóc ngách trong ngôi nhà, tạm thời cách li với các loài động vật, giữ thú cưng tránh xa khỏi giường, ghế đệm.
- Không dụi tay vào mắt hay những vật thể có tác động đến mắt.
- Chườm lạnh nếu thấy mắt ngứa, sưng.
- Nên rửa tay đúng cách và thường xuyên.
- Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
- Giữ vệ sinh nơi ở, sạch sẽ, thoáng mát.
- Tra nước mắt nhân tạo hàng ngày để làm sạch và cấp ẩm cho mắt.
Xem thêm video được quan tâm
Những chính sách mới về Bảo hiểm Y tế có hiệu lực từ tháng 1/2023 người dân cần biết