Vì sao đi bơi lại hay bị viêm tai giữa cấp?

03-07-2023 13:00 | Y học 360

SKĐS - Viêm tai giữa cấp là tình trạng tổn thương tai giữa dưới tác động của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus,… Do sức đề kháng yếu, vòi nhĩ rộng và ngắn nên trẻ em thường bị viêm tai giữa cấp hơn người lớn.

Nếu đi bơi, nhất là ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, nước vào trong tai sẽ đem theo các vi khuẩn và nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài, nhưng đôi khi nước đọng lại khiến tai bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm.

Đặc biệt, những người đã có tiền sử bị viêm tai, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai rất dễ đọng nước bên trong, nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Tai giữa có nhiệm vụ chính là truyền các rung động từ màng nhĩ đến tai trong thông qua chuỗi xương con, giúp chúng ta nghe được âm thanh. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy tìm hiểu cấu trúc và chức năng của tai. Tai được chia thành 3 phần chính: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Viêm tai giữa cấp là tình trạng tổn thương tai giữa dưới tác động của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virut,… Ảnh minh họa

Viêm tai giữa cấp là tình trạng tổn thương tai giữa dưới tác động của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus... Ảnh minh họa.

Nguyên nhân bị viêm tai giữa

Nhiễm trùng tai do vi khuẩn hoặc virus trong tai giữa gây ra. Tình trạng nhiễm trùng cũng thường xảy ra do cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau (viêm VA), vùng họng và vòi nhĩ.

- Vòi nhĩ (vòi Eustachian): Là một ống vòi tai có kích thước rất hẹp, nối tai giữa và vòm họng. Vòi nhĩ làm nhiệm vụ điều chỉnh áp suất không khí và làm mới không khí trong tai, đồng thời thoát chất tiết bình thường từ tai giữa. Khi vòi nhĩ bị sưng có thể làm tắc nghẽn, khiến chất lỏng tích tụ trong tai giữa gây nhiễm trùng.

Ở trẻ em, các vòi nhĩ chưa phát triển nên thường hẹp và nằm ngang hơn, khiến cho việc thoát nước khó khăn dẫn đến dễ bị nhiễm trùng tai giữa.

- VA (Adenoids ): Là mô lympho nhỏ nằm ở phía sau mũi, có vai trò trong hoạt động như một hệ miễn dịch. Do VA nằm gần chỗ mở của các vòi nhĩ, nên khi VA bị viêm sưng to, có thể làm tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn đến nhiễm trùng tai giữa. Viêm tai giữa do viêm VA thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

Nhận biết viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa có thể xuất hiện đơn độc hay theo sau một đợt nhiễm trùng hô hấp trên như sốt, đau đầu, sổ mũi, ngạt mũi, ho, đau họng, mệt mỏi, ăn uống kém... Có rất nhiều biểu hiện trong đó đau tai là triệu chứng điển hình gặp trong hầu hết các trường hợp viêm tai giữa.

Trẻ nhỏ thường bứt rứt, quấy khóc vô cớ, khóc đêm, dùng tay sờ nắn vào tai. Đau ở trẻ lớn thường đến đột ngột khiến trẻ đang ngủ giật mình thức dậy khóc thét và than nhức tai, có cảm giác như có côn trùng đang ngọ ngoạy cào xước trong tai.

Trẻ có thể bị ù tai hay ảnh hưởng sức nghe tạm thời. Sau 3 - 5 ngày sốt cao liên tục trẻ bắt đầu chảy mủ tai. Mủ thường có màu vàng nhạt và lỏng. Đôi khi mủ có thể đặc như keo và sậm màu. Lúc này trẻ hết sốt, đau tai giảm nhiều. Ngoài các triệu chứng đặc hiệu ở tai, trẻ có thể nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…

Người lớn phổ biến là viêm ống tai ngoài, viêm mũi xoang. Sự viêm nhiễm ống tai thường bắt đầu bằng tình trạng ngứa. Khi kéo vành tai hoặc nằm đè lên bên tai bệnh sẽ có cảm giác đau, nghe kém, có dịch vàng, chảy nước hay mùi. Và tình trạng đau tai có thể lan ra xung quanh đôi khi làm bạn đau cả nửa đầu phía bên tai bệnh

Tùy theo nguyên nhân và giai đoạn của bệnh mà cách điều trị khác nhau.

Tùy theo nguyên nhân và giai đoạn của bệnh mà cách điều trị khác nhau.

Biến chứng và điều trị viêm tai giữa

Tùy theo nguyên nhân và giai đoạn của bệnh mà cách điều trị khác nhau. Biến chứng chảy mủ viêm tai giữa thường tiến triển thành mạn tính và khó điều trị. Bệnh có thể do viêm tai giữa mủ cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không tốt gây nên, đặc biệt trên đối tượng người bệnh suy giảm miễn dịch như trẻ sinh non, trẻ thể trạng yếu hoặc mắc các bệnh nặng (lao, đái tháo đường...) hoặc cũng có thể tiến triển thành mạn tính ngay từ đầu khi nhiễm vi trùng độc lực cao, và sức đề kháng người bệnh yếu.

Bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nếu bị viêm tai giữa do virus và không có dấu hiệu của tình trạng bội nhiễm

Thuốc nhỏ tai có nhiều loại, mỗi loại có chỉ định và chống chỉ định khác nhau do đó không nên tùy tiện dùng thuốc nhỏ tai khi chưa có ý kiến bác sĩ để tránh gây hại cho tai và làm cho tình trạng xấu hơn.

Riêng với trẻ nhỏ nếu chảy mủ tai nhiều có thể dùng gạc, bông sạch thấm nước ấm lau vành tai cho trẻ. Không nên dùng que gòn để ngoáy tai làm sạch mủ vì vô tình sẽ làm trầy xước ống tai, tổn thương màng nhĩ và tạo điều kiện cho vi trùng phát triển rộng hơn.

Xem thêm video được quan tâm:

Ai không nên ăn lạc | SKĐS



ThS.BS Đỗ Thu Trang
BV Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn