Chính sách mới nên phải…chờ!
Gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai từ đầu tháng 6, nhưng thông tin việc triển khai gói 30 ngàn tỷ đồng ở cả 5 ngân hàng thương mại tương đối dè dặt, thậm chí chỉ triển khai tại các trụ sở chính, còn các phòng giao dịch thì “không biết, không nghe, không thấy”.
Ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trong 10 ngày qua, ngân hàng mới chỉ đang phổ biến hướng dẫn các quy định nghiệp vụ cho các bộ phận cho vay để nghiên cứu, triển khai.
Vì sao người dân chưa vay được tiền từ gói 30.000 tỷ đồng? |
Người đi vay cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu xem khả năng có thể tiếp cận nguồn vốn như thế nào, để đối chiếu khả năng, điều kiện, thu nhập của bản thân và bàn bạc với gia đình để đưa ra quyết định vay vốn.
Tôi nghĩ rằng mới có 10 ngày thì chưa thể triển khai cho vay ngay được, cần một thời gian nữa thì các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân.
Phó Tổng Giám đốc BIDV |
“Như vậy, hiện nay, bên ngân hàng đang bắt đầu triển khai và phía người vay đang tìm hiểu phương thức, điều kiện. Tôi nghĩ rằng mới có 10 ngày thì chưa thể triển khai cho vay ngay được, cần một thời gian nữa thì các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân”, ông Hoàng nói.
Về việc nhiều phòng giao dịch không biết được chương trình vay này, ông Trần Xuân Hoàng cho rằng, Không phải tất cả các phòng giao dịch của ngân hàng đều có chức năng cho vay. Một số phòng giao dịch chỉ có chức năng huy động vốn, dịch vụ.
Có thể các phòng giao dịch được giao nhiệm vụ chính là huy động vốn nên họ chưa tìm hiểu kỹ về các quy định của gói này và khách thì tìm đến đúng phòng giao dịch chưa có chức năng cho vay.
Vì vậy, trong việc này, nếu khách hàng có nhu cầu thì nên đến ngay trụ sở chính hoặc các phòng giao dịch lớn mà chắc chắn tại nơi đó chúng tôi đã cho phép họ thực hiện các phương thức cho vay thì khách hàng sẽ được trả lời cụ thể, thấu đáo hơn.
Thế chấp bằng nhà mua có đúng luật?
Một trong những vấn đề khiến nhiều người đi mua nhà quan tâm thời gian vừa qua là những vướng mắc liên quan đến các tài sản đảm bảo.
Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay vốn nhà ở “Ngân hàng xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều kiện để vay gói 30 nghìn tỷ đồng đang làm khó người dân.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, về tài sản đảm bảo cho khoản vay, Thông tư giao quyền cho các tổ chức tín dụng quyết định có thế chấp hay không. Bản thân Thông tư 11 cũng quy định cho phép các ngân hàng được nhận căn nhà mua làm tài sản đảm bảo.
“Theo tôi được biết, hiện cả 5 ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ đều có quy định này, cho nên vấn đề này không làm khó cho người dân”, ông Mạnh cho hay.
Tuy nhiên, ngoài tài sản thế chấp là chính căn hộ đang vay vốn để mua, ngân hàng còn yêu cầu khách hàng phải có thêm một tài sản thế chấp cộng với thu nhập ổn định. Trong khi đó, những người thu nhập thấp thì tài sản tích lũy gần như không có, vì vậy cũng rất khó khi tiếp cận nguồn vốn này.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Viết Mạnh cho rằng, bản thân tài sản thế chấp chính là căn hộ có kết cấu là 20% vốn người dân, nên đó là điều kiện tương đối đảm bảo, không cần tài sản ngoài nữa.
Tuy nhiên, đây là vốn tín dụng thông thường có ưu đãi về thời gian và nguồn vốn, nên một trong những yêu cầu đầu tiên là nguồn vốn thông thường không có hạn chuẩn tín dụng. Nghĩa là đảm bảo có thu nhập để trả nợ cho khoản vay. Nhà nước chỉ hỗ trợ nguồn vốn cho vay, còn trách nhiệm trả và thu nợ là của các ngân hàng cho vay. Nên phải đảm bảo các quy định cho vay thông thường.
“Không nên chỉ vì giải quyết vấn đề hôm nay mà lại vấp phải nợ xấu, là không đòi được nợ. Chúng ta giải quyết được vấn đề và sau đó đường đi phải thông thoáng. Như vậy, điều kiện để khách hàng vay vốn là phải thu nhập để đủ khả năng trả nợ”, ông Mạnh nói.
Tuy nhiên, ngay cả việc dùng chính căn hộ mua thì người dân cũng sẽ gặp vướng mắc về mặt pháp lý. Vì người mua nhà tại các dự án đang xây dựng chỉ có hợp đồng mua bán. Như vậy chưa đủ điều kiện để thế chấp.
Lý giải điều này, vị đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong các quy định của ngân hàng về tài sản thế chấp, có mấy loại là tài sản hình thành từ tương lai, tài sản hình thành từ vốn vay. Đây là một dạng tài sản sẽ hình thành từ vốn vay, khi đó, ngân hàng, khách hàng và người bán sản phẩm phải ký hợp đồng với nhau, có nghĩa là, khi khách hàng chưa trả nợ cho ngân hàng, tài sản đó vẫn thuộc ngân hàng và doanh nghiệp cho nên 3 bên ký với nhau để giải quyết vấn đề tài sản thế chấp.
Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thì cho hay, các tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay, ở đây cụ thể là nhà thu nhập thấp, sẽ khó cho ngân hàng và người mua trong vấn đề thế chấp vì không được giao dịch mua bán trong 10 năm.
Nhưng đấy là vì mọi người ở đây không hiểu hết ý là không được bán ra ngoài theo giá thị trường nhưng vẫn có quyền được bán lại cho chủ đầu tư hoặc cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp.
“Ở đây, ngân hàng có thể nhận tài sản này làm tài sản thế chấp, trong trường hợp phải có xử lý về tài sản thế chấp, ngân hàng vẫn có quyền bán lại ngôi nhà này cho chủ đầu tư hoặc bán lại cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp không kể 5 năm hay mấy năm”, ông Nam cho biết.