Từ ngày 5/6/2008 đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như ngồi trên lửa sau khi nhận được bản thông báo Công ty Liên doanh vận tải biển MSC yêu cầu phải thanh toán cước vận chuyển và các phụ phí khác bằng USD căn cứ theo tỷ giá thị trường tự do; việc thanh toán bằng tiền Việt Nam tạm thời dừng lại vì công ty đã tạm khóa tài khoản VNĐ để tránh nguy cơ thua lỗ.
Hàng xuất nhập khẩu chất cao như núi ở các cảng trong khi đó, Công ty Liên doanh vận tải biển MSC lại tiếp tục làm khó doanh nghiệp khi từ chối thanh toán bằng VNĐ. |
Vì đâu nên nỗi
Ngày 10/6/2008, trao đổi với phóng viên, ông Lê Triều Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh vận tải biển MSC (Mediterranean Shipping Company S.A) đã thừa nhận những điểm chưa đúng trong thông báo đề nghị hơn 200 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam phải thanh toán cước vận chuyển bằng USD vì tài khoản tiền Việt Nam tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã được công ty tạm thời khóa lại.
Nói rõ hơn, ông Lê Triều Phương cho rằng: Thông báo ngày 5/6/2008 của Công ty Liên doanh vận tải biển MSC với nội dung không phù hợp với quy định hiện hành về thanh toán xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam là giải pháp tình thế để cứu công ty khỏi thua lỗ. Theo đó, ông Lê Triều Phương nêu lên khoản lỗ gần 3 tỷ đồng trong tháng 5/2008 vì chênh lệch tỷ giá giữa USD và tiền Việt Nam (VNĐ). Nếu Công ty Liên doanh vận tải biển MSC tiếp tục nhận thanh toán cước vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước bằng VNĐ thì công ty sẽ phá sản vì mỗi tháng phải chuyển trả cho phía nước ngoài khoảng 4 triệu USD.
Từ ngày 4/5/2008, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã từ chối bán USD cho Công ty Liên doanh vận tải biển MSC trong khi công ty đang cần 2 triệu USD để trả cho các hãng tàu nước ngoài. Trong hoàn cảnh đó, một là Công ty Liên doanh vận tải biển MSC phải mua USD theo tỷ giá thị trường tự do hoặc buộc các doanh nghiệp phải thanh toán bằng USD thay cho VNĐ.
Nếu tiếp tục nhận thanh toán bằng VNĐ từ 200 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, sau đó đem mua USD với giá cao để trả cho các hãng tàu nước ngoài thì với 1 triệu USD, Công ty Liên doanh vận tải biển MSC sẽ lỗ khoảng 2 tỷ đồng. Đây là lý do để Công ty Liên doanh vận tải biển MSC phải ra thông báo không nhận thanh toán bằng VNĐ, đóng tài khoản nội tệ, và đề nghị các doanh nghiệp phải chấp nhận tỷ giá 1USD bằng 18.000 đồng Việt Nam khi thanh toán cước vận chuyển.
Trả lời câu hỏi về sự phản ứng của các doanh nghiệp sau nhận được thông báo của Công ty Liên doanh vận tải biển MSC, ông Lê Triều Phương than thở: Chúng tôi nằm trong tình thế không thể chọn lựa. Hiệp hội điều chỉ là khách hàng nhỏ của công ty. Theo quy luật thì các khách hàng nhỏ hay phản ứng thái quá trước những thay đổi về thanh toán. Trước đây, hoạt động thanh toán bằng tiền Việt Nam và USD vẫn bình thường. Mọi việc chỉ rắc rối từ giữa tháng 5/2008 đến nay do biến động tỷ giá giữa USD/VNĐ tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu cao su, cà phê, gạo, ... sử dụng dịch vụ vận chuyển của Công ty Liên doanh vận tải biển MSC vẫn thanh toán bằng USD.
Cần phải xử lý nghiêm
Nói cứng như vậy nhưng ông Lê Triều Phương lại khá bối rối khi không giải thích được vì sao chỉ có Hiệp hội điều là khách hàng nhỏ từ chối thanh toán bằng USD nhưng Công ty Liên doanh vận tải biển MSC lại phải gửi thông báo từ chối nhận thanh toán bằng VNĐ đến 200 doanh nghiệp. Thay vào đó, ông Lê Triều Phương cho rằng thông báo này chỉ mang tính chất cảnh báo để ngăn ngừa các doanh nghiệp khác theo chân Hiệp hội điều ào ạt đưa tiền Việt Nam vào tài khoản của công ty để thanh toán chi phí vận chuyển. Nói thêm về hướng giải quyết sự lấn cấn giữa Công ty Liên doanh vận tải biển MSC và các doanh nghiệp, ông Lê Triều Phương thản nhiên: Suy cho cùng, chính các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thiệt hại vì dự kiến trong vài ngày tới, Hiệp hội vận tải biển Viễn Đông sẽ có văn bản đề nghị tăng giá cước vận chuyển hàng hóa. Lúc đó, chi phí tăng thêm này sẽ do các doanh nghiệp phải trả.
Cũng trong ngày 10/6/2008, nhận định về nội dung thông báo của Công ty Liên doanh vận tải biển MSC, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Việc Công ty Liên doanh vận tải biển MSC từ chối sử dụng VNĐ trong thanh toán hợp đồng vận chuyển với các doanh nghiệp Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Về nguyên tắc, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải sử dụng VNĐ trong thanh toán. Nếu Công ty Liên doanh vận tải biển MSC đơn phương áp dụng tỷ giá quy đổi 1 USD bằng 18.000 đồng Việt Nam là hành động hoàn toàn trái với Pháp Lệnh quản lý ngoại hối và cần được xử lý nghiêm. Các doanh nghiệp bị Công ty Liên doanh vận tải biển MSC từ chối không nhận thanh toán bằng VNĐ có thể gửi đề nghị lên Bộ Giao thông Vận tải, Cảng vụ, Ngân hàng Nhà nước, .... Các cơ quan này sẽ phải đứng ra can thiệp và giải quyết sự việc.
Theo Hiệp Hội điều Việt Nam, việc làm của Công ty Liên doanh vận tải biển MSC là đi ngược với chủ trương giải tỏa hàng hóa đang ùn tắc ở các cảng tại TP.HCM đang được Chính phủ và các bộ ngành quyết liệt thực hiện. |
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Văn phòng Luật sự Phạm Hồng Hải và cộng sự thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Bộ Luật Dân sự Việt Nam đã quy định tất cả các giao dịch dân sự trên lãnh thổ Việt Nam đều phải bằng VNĐ. Nêu thông báo của Công ty Liên doanh vận tải biển MSC đề nghị doanh nghiệp thanh toán bằng USD thì việc quy đổi này phải căn cứ theo tỷ giá quy đổi USD/VNĐ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố chứ không thể theo tỷ giá do Công ty Liên doanh vận tải biển MSC đơn phương đề ra. Nếu không tuân thủ theo các quy định này thì hợp đồng thanh toán cước vận chuyển giữa Công ty Liên doanh vận tải biển MSC và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là vô hiệu.
Giáng Thăng