Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống số 54 ra ngày 4/4/2013 có bài Người Việt phải dùng chữ Việt, phản ánh tình trạng nhiều cổng làng ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương... dù mới được người dân xây dựng nhưng vẫn sử dụng toàn chữ Trung Quốc, vừa khó hiểu vừa mất thiện cảm. Ngày 16/4, báo Sức khỏe&Đời sống đã nhận được Công văn số 07/CV-VHTT của UBND huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương phản hồi về vấn đề này như sau:
Vấn đề thứ nhất, đối chiếu với 2 bức ảnh đã đăng và sau khi xác minh, đối chiếu với thực tế đó là: cổng làng Già, xã Lê Lợi và cổng làng Ngà, xã Phương Hưng thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Vấn đề thứ hai “Cổng làng Việt trên địa bàn huyện Gia Lộc dùng thuần chữ Trung Quốc”. Về việc này, trong thực tế, hiện nay nhiều cổng làng trên địa bàn huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương khi xây dựng đã đắp hoặc viết chữ, câu đối, tên làng bằng chữ Việt (chữ Quốc ngữ) tại cổng làng, ví dụ như: làng Hạ Bì, làng Vân Am - xã Yết Kiêu; làng Thanh Khơi, làng Bá Đại - xã Trùng Khánh; làng Cát Hậu - xã Hồng Hưng; làng Kênh Triều, làng Đồng Đội, làng Đồng Tái - xã Thống Kênh...; một số làng đã đắp hoặc viết chữ, câu đối, tên làng tại cổng làng bằng chữ Hán Nôm và có phiên âm chữ Quốc ngữ (làng Ngà - xã Phương Hưng). Bên cạnh đó, một số cổng làng với nguyện vọng của đông đảo nhân dân đã lấy nguyên các chữ Hán Nôm được lưu truyền từ cổng làng cũ để đắp hoặc viết sang cổng mới; đồng thời cũng còn một số làng chỉ đắp hoặc viết chữ, câu đối, tên làng bằng chữ Hán Nôm tại cổng làng.
Vậy, chúng tôi xin trả lời Quý báo và mong Quý báo trả lời với bạn đọc; đồng thời đề nghị quý báo góp chung tiếng nói đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có hướng dẫn cụ thể về việc đắp hoặc viết chữ tại cổng làng Việt hiện nay, nhằm bảo tồn cổng làng Việt - “Sản phẩm kiến trúc cổ của người Việt” và nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam nói chung và người Gia Lộc nói riêng.
XH-BĐ