Hà Nội

Vì sao cơ quan soạn thảo đề xuất hỗ trợ gia đình chỉ sinh con gái?

03-10-2015 18:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Tổng cục Dân số đề xuất hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho các cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có bảo hiểm xã hội nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động.

 

Tổng cục Dân số đề xuất hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho các cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có bảo hiểm xã hội nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động.

Đây là nội dung trong dự thảo luật dân số do Bộ Y tế chủ trì đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, nhằm đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh, các chuyên gia đưa ra 4 biện pháp trong đó có việc hỗ trợ bằng tiền cho các gia đình chỉ sinh con gái.

Cụ thể, dự thảo luật đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ sẽ quy định cụ thể đối tượng, mức hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, hiện có 2 luồng ý kiến xunh quanh đề xuất này. Có ý kiến đồng thuận, cũng có người cho rằng không nên vì liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, vì sao chỉ hỗ trợ gia đình chỉ sinh con gái, không hỗ trợ gia đình chỉ sinh toàn con trai.

Hiện nay trong tâm lý của nhiều gia đình Việt vẫn trọng nam
Hiện nay trong tâm lý của nhiều gia đình Việt vẫn trọng nam

Ông Lê Cảnh Nhạc- phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ đưa ra thông tin, tại Việt Nam, có trên 70% người già sống dựa vào con cái và không có chế độ trợ cấp xã hội khi về già. Nhiều người vẫn phải sống dựa vào con, muốn có con trai nối dõi tông đường, thắp hương, làm chủ gia đình. “Do đó, chúng tôi đề xuất giải pháp này nhằm hỗ trợ người sinh con một bề là gái, làm sao để nâng cao vị thế của phụ nữ. Chúng tôi mong muốn mọi người nhìn nhận, con gái cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ như con trai được quyết định cuộc sống gia đình, làm chủ gia đình”- ông Nhạc nói

Tuy nhiên theo GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và trẻ em cho rằng nếu coi hỗ trợ người cao tuổi sinh con một bề gái là một cách để giảm tỷ số giới tính khi sinh sẽ không hiệu quả. Thực tế, tỷ số giới tính khi sinh cao ở những gia đình có kinh tế khá giả, phụ nữ có trình độ học vấn cao.

Cụ thể, kết quả tổng điều tra dân số 2009 cho thấy 20% dân số nghèo nhất có tỷ số giới tính khi sinh là 105 bé trai/100 bé gái, 60% dân số thu nhập trung bình là 107,5; trong khi 20% dân số giàu nhất con số này xấp xỉ 113.

Cũng theo chuyên gia này, nếu quy định hỗ trợ như trên sẽ vô hình trung mặc định những gia đình sinh con gái là thiệt thòi, là nhóm yếu thế; đồng thời cũng mặc nhiên công nhận trách nhiệm phụng dưỡng là của con trai. Luật Bình đẳng giới cũng quy định nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.

“Theo tôi không nên hỗ trợ như đề xuất. Thay vào đó Nhà nước cần tập trung phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, khi đó bình đẳng giới sẽ được thực hiện, lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm hoặc không còn; đồng thời siết chặt hoạt động siêu âm giới tính thai nhi”, GS Cử đưa ra ý kiến

GS Cử cũng lấy ví dụ, nhiều năm nay Trung Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ 600 tệ/tháng/người cho những cặp vợ chồng sinh con một bề gái nhưng tỷ số giới tính khi sinh ở nước này vẫn không hề giảm.

Tình trạng mất cân bằng giới tính để lại hậu quả vô cùng lớn là hàng triệu đàn ông Việt Nam có thể  ế vợ vào năm 2050 Ảnh Internet
Tình trạng mất cân bằng giới tính để lại hậu quả vô cùng lớn là hàng triệu đàn ông Việt Nam có thể ế vợ vào năm 2050 Ảnh Internet

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó vụ trưởng vụ cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số-Kế hoạch gia đình, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2006 tỷ số giới tính sinh của nước ta đạt 110 bé trai/100 bé gái và duy trì ở mức cao này cho đến nay. Có năm đỉnh điểm lên đến 113,8 vào năm 2013. Điều đó cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta ngày càng diễn ra phức tạp, luôn ở trạng thái rất cao.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều tỉnh thành, vùng xảy ra tình trạng này, không chỉ ở thành phố mà cả nông thôn, không chỉ ở đồng bằng Bắc Bộ mà xu hướng lan rộng ra cả nước.

“Tỷ số giới tính khi sinh tăng ở cả thành thị và nông thôn; cao ngay từ lần sinh thứ nhất và rất cao ở lần sinh cuối- khác một số nước ở lần 1 thấp hơn. Thực tế, dù có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, cung cấp giới tính thai nhi nhưng tình trạng biết rất cao. 83% phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi”, ông Trường nói.

Năm 2014, có 16/63 tỉnh xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng. Trong đó nặng nề nhất hiện này là Quảng Ninh là 124,4; sau đó là Hưng Yên với 119,5 bé trai/100 bé gái; Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định… Hiện nay do nhiều gia đình Việt Nam vẫn mong muốn có con trai để nối dõi tông đường và để làm kinh tế. Thậm chí, nhiều người còn lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh. Thực trạng này sẽ để lại hệ luỵ vô cùng nguy hại đối với đất nước ta khi các nhà khoa học dự báo, Việt Nam sẽ “dư thừa” từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới vào năm 2050.

 

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn