Hà Nội

Vì sao cơ phó Germanwings lao máy bay xuống núi

28-03-2015 17:57 | Quốc tế
google news

Hành vi tự sát của cơ phó chuyến bay 9525 thuộc Germanwings là đặc biệt hiếm và có thể liên quan tới một sự bất mãn sâu sắc hoặc mong muốn trả thù mãnh liệt, chuyên gia nhận định.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Andreas Lubitz, cơ phó trên chuyến bay 9525 thuộc hãng hàng không Germanwings, người đã điều khiển chiếc phi cơ lao xuống dãy Alps hôm 24/3, có tiền sử bị trầm cảm nhưng đã giấu tình trạng bệnh của mình với hãng bay.

Thông tin này khiến cả thế giới bàng hoàng. Người ta bắt đầu đi tìm lý do vì sao một người có ý định tự sát lại mong muốn kéo theo hàng trăm người vô tội khác chết theo mình và nguyên nhân anh này giấu giếm tình trạng bệnh.

Trả lời cho câu hỏi trên, giáo sư tâm lý Rudolf Egg, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu Tội phạm ở Wiesbaden, Đức, đánh giá không thể có một lời giải đáp chính xác hoàn toàn cho vấn đề này bởi những gì các chuyên gia nắm trong tay đa phần là các manh mối và giả thiết.

Có thể so sánh việc làm của Lubits với một số hành động tương tự nhưng dẫn đến ít thương vong hơn. Ví dụ như việc những người điều khiển xe máy cố tình đi vào đường một chiều. Hội chứng trầm cảm khiến họ phớt lờ mọi thứ xảy ra quanh mình. Đối với họ, sự tồn tại của thế giới không còn quan trọng.

co-pho-7229-1427461826-1790-1427520827.j
Cơ phó Andreas Lubitz, một trong hai phi công trên chuyến bay 9525 của Germanwings. Ảnh: CBC

Một số nhà tâm lý thì cho biết hành vi tự tử - sát nhân rất khác so với tự tử thông thường và nhiều khi liên quan tới một sự bất mãn sâu sắc hoặc mong muốn trả thù mãnh liệt.

"Thay vì thể hiện một thái độ hung dữ và thù địch ra ngoài mặt, những người muốn tự sát - giết người thường tỏ ra khá chán nản và có những vấn đề tâm lý ám ảnh riêng", Sydney Morning Herald dẫn lời giáo sư James Ogloff, nhà tâm thần học, giám đốc Trung tâm Công nghệ Pháp y Khoa học Hành vi thuộc Đại học Swinburne, nhận định.

Ông Egg thì cho rằng thái độ bất mãn với cuộc sống và mong muốn trả thù không phải là nguyên nhân dẫn đến hành động của Lubitz. Theo ông, những người như vậy thường mang trong mình cảm giác thù hận đối với các nạn nhân bị sát hại và ở những giây phút cận kề cái chết họ còn cảm thấy phấn chấn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hầu hết những người trên khoang hoàn toàn xa lạ đối với Lubitz.

Egg cũng nhấn mạnh chưa thể xác định liệu hành động của Lubitz là tự phát hay được lên kế hoạch dù việc anh này khóa trái cửa ngăn cơ trưởng trở lại buồng lái khiến nhiều người suy đoán anh có mưu đồ từ trước.

Nhưng giữa việc toan tính và hiện thực hóa chúng là một khoảng cách khá xa. Hành động cuối cùng lại có thể phát sinh từ một tình huống cơ hội rõ ràng mà trong trường hợp này xuất phát từ thực tế Lubitz có những giây phút một mình làm chủ buồng lái, nắm sinh mạng của hàng trăm con người trong tay và không có ai ở bên cạnh để ngăn cản anh ta.

Giấu bệnh vì áp lực bị kỳ thị

781bb3738d27e58368f0db7d36588b-5398-1591
Nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AP

Dù các công tố viên vẫn chưa thể xác định rõ bản chất tình trạng bệnh của Lubitz, nhưng dư luận vẫn tồn tại những mối nghi ngờ cho rằng bất ổn về tinh thần đã ảnh hưởng đến khả năng làm việc của anh ta đồng thời là tác nhân chính khiến anh quyết định tự sát, kéo theo sinh mạng của 149 người khác.

Theo Massable, bệnh lý về tâm thần tương đối phổ biến. Hơn 350 triệu người trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng trầm cảm. Nhưng không có bằng chứng nào liên hệ căn bệnh này với hành động hay khuynh hướng sát nhân. Theo ước tính, chỉ 3-5% các hành vi bạo lực là do người mắc bệnh về tâm thần thực hiện. Thực tế, người mắc bênh tâm thần nặng còn có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm bạo lực cao hơn 10 lần so với người bình thường.

Bác sĩ David Ballard, giám đốc một trung tâm phụ trách đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh về tinh thần cho các tổ chức thuộc Hiệp hội Tâm lý Mỹ, nhận định những vụ tai nạn hàng không liên quan đến tình trạng tâm lý của phi công "đặc biệt hiếm gặp".

Trong quá trình lục soát căn hộ của Lubitz ở Dusseldorf và ngôi nhà anh sống cùng bố mẹ ở Montabaur, cảnh sát Đức thu được các tài liệu y tế trong đó có ghi "tình trạng bệnh lý đang tiếp diễn và việc điều trị y tế thích hợp".

Công tố viên Ralf Herrenbrueck hôm qua cho biết trong những văn bản được tìm thấy, có cả giấy chứng nhận của bệnh viện về tình trạng bệnh lý bị xé nát, hiệu lực đến ngày máy bay rơi. Điều này dẫn đến đánh giá sơ bộ rằng Lubitz đã giấu bệnh với hãng hàng không.

Bệnh viện Đại học Dusseldorf xác nhận thông báo trên và thêm rằng Lubitz được điều trị tại các cơ sở của họ từ hồi tháng một và bắt đầu lại vào ngày 10/3. Tuy nhiên, bệnh viện phủ nhận thông tin Lubitz được điều trị trầm cảm tại khoa tâm lý của họ.

Theo ông Ballard, chưa rõ vì sao Lubitz che đậy tình trạng bệnh nhưng có thể khẳng định rằng sự kỳ thị đối với những người mắc các hội chứng tâm lý khá phổ biến trong xã hội. Đây có thể là một phần lý do khiến Lubitz phải che giấu.

Họ lo sợ việc bị nhìn nhận như người thiếu khả năng, trở thành đề tài bàn tán hay mất đi cơ hội thăng tiến trong công việc, ông Ballard cho hay. "Đối với giới phi công, công khai rằng mình mắc một bệnh lý nào đó về tâm thần còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn bởi họ có thể bị cấm công tác".

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã áp dụng hình thức cấm bay đối với những phi công đang được điều trị trầm cảm như một biện pháp phòng ngừa tạm thời. Họ có thể trở lại làm việc khi nhận được đánh giá tình trạng "ổn định" từ bác sĩ sau khoảng thời gian 6 tháng.

FAA cũng cố gắng để đảm bảo tình trạng bệnh lý của phi công không ảnh hưởng tới an toàn bay bằng cách yêu cầu họ thực hiện các cuộc kiểm tra y tế định kỳ, phụ thuộc vào độ tuổi. Bài kiểm tra không bao gồm những đánh giá về tinh thần. Thay vào đó, bác sĩ được đề nghị "thiết lập một biên bản ghi lại ấn tượng chung về biểu hiện cảm xúc của ứng viên", theo văn bản hướng dẫn nhân viên kiểm tra y tế hàng không.

Ngoài ra, đánh giá này còn chứa những thông tin về dấu hiệu liên quan đến trạng thái lo lắng, biên bản các lần vi phạm giao thông, hay vẻ bề ngoài không chỉn chu của những người được kiểm tra. Tiền sử rối loạn nhân cách, loạn thần liên quan đến ảo giác, hành vi thiếu tính tổ chức hay rối loạn lưỡng cực là những tình trạng có thể dẫn tới việc phi công bị cấm công tác.

Theo VnExpress

 


Ý kiến của bạn