Sức khỏe & Đời sống đã phỏng vấn Th.s Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An, cơ sở y tế đầu tiên của trong cả nước thành lập Đơn vị chống đau.
PV: Thưa bà, vì sao đau lại được dần quan tâm trở lại?
ThS. Thái Thị Xuân: Số người tới bác sĩ khám bệnh khi đau đớn (phần lớn trong tháng đầu tiên sau khi bị đau) là 86,53 %, nhưng chỉ có 47,08% trong số họ thỏa mãn với kết quả điều trị.
Các số liệu trên cho thấy nhu cầu tổ chức quản lý chăm sóc và điều trị đau cần được triển khai mạnh mẽ, rộng rãi hơn về phạm vi và nâng cao hơn về chất lượng. Đau vẫn là một cảm giác khó chịu về thể chất và sự đày ải về tinh thần ở nhiều mức độ khác nhau.
Đau là một chủ đề y học rất rộng và rất sâu. Là một khái niệm chủ quan mà giữa thầy thuốc và bệnh nhân vẫn còn tồn tại một khoảng cách cần dung hòa rất lớn.
Đau là triệu chứng rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong thực hành lâm sàng, chính vì vậy mà James Cambell- Chủ tịch Hội Đau Hoa kỳ (1995) cho rằng cần phải coi “Đau là dấu hiệu sinh tồn thứ 5”.
Chống đau là công việc không của riêng ai. Một người bình thường khi bị đau vẫn luôn có hành vi tự làm giảm đau cho mình.
ThS. Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An
Trong ngành y tế, nghiên cứu, điều trị và kiểm soát đau là nhiệm vụ của tất cả các chuyên ngành.
Mục tiêu là phòng, chữa đau và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua kiểm soát đau có hiệu quả không những cho bệnh nhân mà còn cho cả cộng đồng.
Theo kết quả nghiên cứu tại 48 tỉnh thành tại Việt Nam thì 70% bệnh nhân đau mãn tính và 80% người bệnh đau đớn do các di chứng bệnh tật để lại. Vì vậy hoạt động chống đau là rất cần thiết.
PV: Được biết, BV Phục hồi chức năng Nghệ An là đơn vị y tế đầu tiên trong cả nước thành lập đơn vị chống đau. Đơn vị chống đau trong bệnh viện phục hồi chức năng có ý nghĩa như nào đối với người bệnh, thưa bà?
ThS. Thái Thị Xuân: Đơn vị chống đau của bệnh viện được thành lập từ tháng 4/2017. Lãnh đạo bệnh viện đã mời chuyên gia là GS.TS. BS Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm bộ môn thần kinh, Bệnh viện Quân Y 103, đầu ngành trong lĩnh chống đau hàng tháng về giảng dạy và chuyển giao công nghệ. Đến nay sau gần hai năm hoạt động đơn vị chống đau đã tự hoạt động và khẳng định mình.
Đơn vị chống đau nằm trong bệnh viện phục hồi chức năng nên sự phối hợp các phương pháp phong bế chống đau với các phương pháp vật lý trị liệu PHCN đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh giảm đau nhanh hơn, giảm thiểu các tác dụng phụ do thuốc phong bế gây lên.
Đặc biệt, sự phối hợp này làm tăng khả năng phục hồi các chức năng vận động, chức năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tùy theo mức độ đau và tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp một hoặc nhiều phương pháp vật lý trị liệu PHCN như: nhiệt trị liệu, điện trị liệu, từ trường trị liệu, siêu âm trị liệu, máy kéo giãn cột sống, các bài tập vận động và dụng cụ chỉnh hình...
Nhờ kết hợp giữa chống đau với các phương pháp vật lý trị liệu của PHCN giúp bệnh nhân vừa giảm đau kéo dài, phục hồi thể lực nhanh và hòa nhập với cuộc sống tốt hơn.
Đơn vị chống đau của BV Phục hồi chức năng Nghệ An đã thu hút được nhiều bệnh nhân đến điều trị
Từ khi thành lập đơn vị chống đau, bệnh viện chúng tôi đã tiếp nhận 1.200 lượt người bệnh đến khám và điều trị. Kết quả điều trị sơ bộ cho thấy mức độ giảm đau đánh giá theo thang nhìn (VAS), mức độ hài lòng của người bệnh, khả năng thực hiện chức năng sinh hoạt hàng ngày. Đánh giá đơn vị chống đau của chúng tôi cho thấy đau giảm từ tốt đến khá, chiếm gần 80%.
Có ca bệnh điển hình mà bệnh viện chúng tôi đã điều trị thành công đó là bệnh nhân nam 65 tuổi, ở Đô Lương, Nghệ An. Bệnh nhân đến viện tỉnh nhưng liệt tứ chi do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sau 2 lần phẫu thuật. Bệnh nhân không đi lại được, tay chân co rút, vào viện được khám và thực hiện thủ thuật kết hợp vật lý trị liệu, PHCN sau 1 tháng bệnh nhân có chuyển biến rõ rệt, sau 2 tháng tự đi lại bằng dụng cụ trợ giúp, tứ chi đỡ co rút.
Đây là trường hợp ca bệnh phức tạp về tình trạng bệnh lý cột sống thắt lưng đã được thăm khám tại các bệnh viện lớn và được phẫu thuật giải phóng chèn ép. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị trước đó không giải quyết triệt để các triệu chứng. Ca lâm sàng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng này diễn biến phức tạp đã được bệnh viện chúng tôi điều trị thành công bằng phương pháp bảo tồn tiêm ngoài màng cứng với kỹ thuật hai kim.
BV PHCN Nghệ An chúng tôi đã đề xuất và hoàn thành đề tài “Sáng kiến xây dựng mô hình Đơn vị chống đau cho bệnh viện cấp tỉnh” được nghiệm thu thành công và Hội đồng khoa học tỉnh Nghệ An đánh giá cao.
PV: Điều đáng ghi nhận ở BV PHCN Nghệ An là sự trưởng thành lớn mạnh về chuyên môn của các cán bộ y tế qua việc mời chuyên gia giỏi về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, bà nói gì về việc này?
ThS. Thái Thị Xuân: Với ngành y, học tập, đào tạo liên tục có thể nói là suốt cuộc đời làm việc. Còn thực hiện khám, chữa bệnh thì luôn phải học. Học ngay ở những đồng nghiệp và học từ các Thầy – những chuyên gia đầu ngành như GS.TS Nguyễn Văn Chương; GS. TS Cao Minh Châu…
Lãnh đạo bệnh viện chúng tôi luôn ý thức được việc đem lại những kỹ thuật mới nhất, tốt nhất phục vụ người dân nên việc mời chuyên gia về đứng lớp, truyền thụ kiến thức cho các cán bộ y tế luôn là việc được coi trọng. Nhờ đó, trong các năm gần đây chúng tôi đã được người bệnh trong tỉnh tin tưởng đến điều trị.
Bệnh nhân của Nghệ An sau khi thực hiện phẫu thuật ngoài các bệnh viện trung ương cũng về BV Phục hồi chức năng Nghệ An để điều trị phục hồi tiếp. Bệnh nhân điều trị ở TP Vinh cũng vậy, đã về với bệnh viện chúng tôi.
Có thể nói rằng, bệnh viện chúng tôi đã làm tốt việc thu hút người bệnh yên tâm tin tưởng vào y tế địa phương, không phải đi xa để điều trị, tiết kiệm chi phí đi lại, thuê nhà trọ khi ở xa rất nhiều!
PV: Thưa bà, câu lạc bộ các đơn vị chống đau được thành lập trong 1 năm qua, đã đem lại hiệu quả như thế nào?
ThS. Thái Thị Xuân: Câu lạc bộ các đơn vị chống đau thuộc Hội Chống đau Hà Nội được thành lập 26/11/2017 với sự đỡ đầu của Hội Chống đau Hà Nội. Với số lượng là 4 đơn vị chống đau đầu tiên, CLB đã hoạt động sôi nổi trong năm qua với hiệu quả cao. Đã khám và điều trị 3.663 lượt bệnh nhân, khám từ thiện 214 lượt người; thực hiện 1.611 lần thủ thuật điều trị đau hiệu quả an toàn.
Các đơn vị chống đau đều có hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng quản lý và điều trị đau. Các hoạt động chống đau tại các bệnh viện đều nhận đựơc sự quan tâm của Đảng ủy và ban giám đốc. Chất lượng và hiệu quả hoạt động đựơc ghi nhận và thu hút sự quan tâm của các đơn vị và của bệnh nhân. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo bác sĩ chuyên khoa định hướng y học đau để đáp ứng với nhu cầu điều trị tại các bệnh viện.