Đặc điểm của những cơn ác mộng
Giấc ngủ của chúng ta diễn biến theo một vòng tuần hoàn gồm hai giai đoạn: giai đoạn “ngủ động mắt nhanh” (Rapid Eye Movement - REM) và giai đoạn ngoài REM. Khởi đầu giấc ngủ thường là giai đoạn ngoài REM, biểu hiện bằng sự ngủ chập chờn hoặc bắt đầu ngủ say; sau đó là đến giai đoạn REM, để rồi vòng tuần hoàn cứ như thế lặp lại. Ác mộng thường hoành hành khi giấc ngủ của chúng ta trải qua giai đoạn REM - cũng là thời khắc mà hầu hết các giấc mơ xuất hiện. Khi chúng ta ngủ đêm càng lâu, các giai đoạn ngủ REM càng kéo dài, nên chúng ta thường có xu hướng trải nghiệm ác mộng trong khoảng thời gian rạng sáng.
Mặc dù ác mộng thường phổ biến ở trẻ em hơn là người lớn, nhiều thống kê cũng cho thấy cứ hai người lớn bất kỳ thì có một người ác mộng mỗi khi đi ngủ. Theo khảo sát ở nhiều quốc gia, khoảng từ 2 - 8% người lớn là nạn nhân thường trực của các cơn ác mộng.
Tuy các cơn ác mộng thường có nội dung ngẫu nhiên và phong phú, vẫn có một số hình ảnh ác mộng chung nhất mà nhiều người gặp phải. Chẳng hạn, vài người kể rằng họ thường mơ thấy mình bị một thứ gì đó nguy hiểm hoặc đáng sợ rượt đuổi và không thể chạy thoát; hoặc nhiều người khác hay mơ thấy mình bị rơi từ trên cao xuống. Nếu bạn từng trải qua một biến cố hoặc sự kiện có tính chất ám ảnh hoặc gây sang chấn tâm lý, chẳng hạn như một tai nạn thảm khốc hoặc bị kẻ khác tấn công đến suýt mất mạng, bạn dễ có nguy cơ gặp phải những cơn ác mộng mà trong đó, mình hồi tưởng lại những hình ảnh đáng sợ đó một cách vô thức.
Nguyên nhân gặp ác mộng ở người lớn
Nhiều người gặp ác mộng do ăn khuya hoặc ăn vặt trước khi đi ngủ, bởi điều này thúc giục và làm tăng cường các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể, khiến bộ não phải làm việc ngay cả khi họ đang ngủ để đảm bảo quá trình chuyển hóa được diễn ra trọn vẹn.
Việc uống một số loại thuốc nhất định trước khi đi ngủ cũng có thể góp phần làm tăng tần suất gặp ác mộng. Nghiên cứu đã cho thấy những loại thuốc gây tác động hóa học lên bộ não, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc an thần, có mối liên hệ nhất định với khả năng gặp ác mộng của con người. Ngay cả vài loại thuốc không gây ảnh hưởng đến tâm lý người dùng - chẳng hạn như thuốc trị cao huyết áp - cũng vẫn có tác dụng quấy nhiễu các hoạt động trong cơ thể người và làm tăng nguy cơ gặp ác mộng.
Quá trình cai nghiện đối với một số loại thuốc hay chất kích thích nhất định - bao gồm rượu bia, các loại đồ uống có cồn và thuốc an thần - cũng có thể kích hoạt khả năng gặp ác mộng. Nếu bạn nhận thấy mình gặp ác mộng thường xuyên hơn kể từ khi thay đổi hoặc ngừng sử dụng một hay vài loại thuốc hoặc đồ uống nào đó, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Tình trạng mất ngủ thường xuyên cũng là một tác nhân gây ác mộng ở người lớn, khiến cho họ vốn đã không ngủ đủ giờ nay lại càng mất ngủ hơn. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, các cơn ác mộng cũng có thể được kích hoạt bởi những tác nhân tâm lý. Chẳng hạn, những người hay lo âu hoặc trầm cảm thường dễ gặp ác mộng hơn so với người bình thường. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng gặp ác mộng là chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post-Traumatic Stress Disorder - PTSD), khiến cho người bệnh thường xuyên trải nghiệm biến cố gây sang chấn một cách lặp đi lặp lại trong những giấc mơ.
Nhiều người gặp ác mộng do ăn khuya
Những người mắc phải các chứng rối loạn giấc ngủ cũng dễ trở thành nạn nhân của các cơn ác mộng, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ, hoặc hội chứng rung chân - hay còn gọi là chân không yên (Restless Legs Syndrome - RLS), hiện tượng hai chân của người ngủ luôn trong trạng thái muốn vận động do vài rối loạn trong hệ thần kinh, dễ gây gián đoạn giấc ngủ.
Nếu tất cả những điều trên không phải là nguyên nhân gây ra các cơn ác mộng của bạn, chỉ còn một khả năng là bạn đang là bệnh nhân của một loại rối loạn giấc ngủ được đặc trưng bởi tình trạng gặp ác mộng kinh niên. Nếu trong nhà bạn có nhiều người thân thường xuyên gặp ác mộng do chứng rối loạn này, bạn cũng có nhiều nguy cơ mắc phải tình trạng tương tự.
Hậu quả về mặt sức khỏe
Ác mộng không chỉ là những giấc mơ tồi tệ, mà chúng còn gây ra nhiều tác động tiêu cực lên sức khỏe con người.
Trong số những người gặp ác mộng với tần suất cao có nhiều cá nhân là nạn nhân của chứng trầm cảm hoặc hay lo âu. So với người bình thường, những người này đặc biệt nhạy cảm hơn với những hình ảnh tiêu cực trong các cơn ác mộng, dễ dễn đến nguy cơ mắc phải những rối loạn tâm lý trầm trọng hơn.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã khám phá ra mối liên hệ nhất định giữa các cơn ác mộng và nguy cơ tự tử ở người gặp ác mộng. Mặc dù khoa học vẫn chưa lý giải được trọn vẹn mối liên hệ này, điều chắc chắn ở đây là tình trạng gặp ác mộng thường xuyên sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng cuộc sống của bạn. Do vậy, nếu bạn gặp ác mộng với tần suất cao đến mức ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày, việc đến gặp bác sĩ là điều nên làm.
Các cơn ác mộng cũng có thể khiến bạn thường xuyên mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc, góp phần dẫn đến nhiều triệu chứng bất ổn khác về lâu dài, chẳng hạn như chứng trầm cảm, các bệnh về tim mạch và chứng béo phì.
Còn nếu tình trạng gặp ác mộng thường xuyên của bạn là một biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), tất cả những chứng bất ổn này đều sẽ gây ra hàng loạt những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn nếu không được chữa trị kịp thời.
Khắc phục tình trạng gặp ác mộng ở người lớn
May thay, có nhiều biện pháp tự nhiên mà bạn có thể thực hiện để gia giảm tần suất gặp ác mộng cũng như hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên cuộc sống hàng ngày. Đầu tiên, nếu bạn gặp ác mộng do việc sử dụng thuốc, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để thay đổi toa thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng uống thuốc sao cho loại bỏ những tác dụng phụ không mong muốn.
Với những người gặp ác mộng do chứng ngưng thở khi ngủ hoặc hội chứng chân không yên, họ cần đến gặp bác sĩ để chữa dứt những chứng bệnh đó nhằm khắc phục cả triệu chứng gặp ác mộng.
Trong trường hợp những cơn ác mộng của bạn không liên quan đến các loại thuốc hay các chứng rối loạn nào, các liệu pháp về tâm lý và thay đổi hành vi sẽ có thể hữu ích với bạn. Những liệu pháp này đã được chứng minh là phát huy hiệu quả với 70% người lớn thường xuyên gặp ác mộng, bao gồm cả những người gặp ác mộng do lo âu, trầm cảm và PTSD. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn về những liệu pháp phù hợp nhất với bạn!
Nhìn chung, có rất nhiều biện pháp tự nhiên lẫn chuyên môn giúp bạn khắc phục hoặc hạn chế tần suất gặp ác mộng mỗi khi đi ngủ. Bên cạnh việc ngủ nghỉ điều độ, các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao cũng là một thói quen lành mạnh giúp bạn ngủ ngon hơn, hạn chế lo âu, trầm cảm cũng như tần suất xuất hiện của những cơn ác mộng. Tương tự, yoga và thiền cũng là những hoạt động hiệu quả trong việc giúp bạn có sức khỏe dẻo dai hơn và có được những giấc ngủ ngon.
Điều quan trọng là dù bạn chọn biện pháp nào đi chăng nữa, việc giữ thói quen sinh hoạt điều độ - bao gồm cả giờ giấc đi ngủ và thức dậy hợp lý - là yêu cầu tối quan trọng và không thể thiếu. Rèn luyện thói quen đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc nhằm hạn chế tình trạng mất ngủ cũng như nguy cơ gặp ác mộng. Đảm bảo rằng phòng ngủ của bạn là một nơi thực sự yên tĩnh, thư thái và được cách ly hoàn toàn với các sinh hoạt ồn ào hoặc căng thẳng, để bạn dễ dàng tận hưởng được những giấc ngủ trọn vẹn trong đó. Tuyệt đối tránh xa các loại đồ uống có cồn hoặc chứa các chất caffeine hay nicotine gây mất ngủ, bởi những chất này có thể phát huy và duy trì tác dụng làm hưng phấn thần kinh của bạn đến 12 giờ sau khi uống, làm nhiễu loạn thói quen ngủ nghỉ của bạn.
PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN