Nhiều người tin rằng, sự hấp dẫn của thức ăn là nguyên nhân tạo nên cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên các nhà khoa học đã khám phá rằng, hormone là thủ phạm thực sự của chứng thèm ăn quá đà, Daily Mail đưa tin.
Theo thí nghiệm công bố trên Tạp chí Cell, hormone glucagon peptide-1 (GLP -1) có thể gây chứng thèm ăn vô độ ở chuột bạch. Khi nồng độ hormone GLP -1 trong hệ thần kinh trung ương giảm, chuột có xu hướng ăn các thực phẩm giàu chất béo với số lượng lớn. Sự thiếu hụt GLP -1 khiến chuột tiêu thụ thức ăn nhiều calo hơn nhu cầu của cơ thể. Ngược lại, khi nồng độ hormone này tăng cao, não phát tín hiệu giảm nhu cầu ăn của chuột, chúng ít ăn thức ăn giàu chất béo.
Glucagon peptide-1 (GLP -1) là chuỗi nhỏ các axit amin với nhiều chức năng khác nhau. GLP -1 sinh ra từ các tế bào ở ruột non và não để báo hiệu và điều tiết sự thèm ăn. Khi hormone GLP -1 tiết ra nhiều, nó cản trở sự liên kết giữa các tế bào thần kinh, bao gồm cả tín hiệu kiểm soát nhu cầu ăn uống. Cơ chế hoạt động hormone cũng ảnh hưởng tương tự tới các chứng nghiện ma túy, nghiện rượu...
Từ đó, các nhà khoa học tìm ra cách kiểm soát nhu cầu ăn uống của con người. Họ tạo ra một loại thuốc bắt chước cơ chế hoạt động của hormone GLP -1 để cải thiện khả năng dung nạp glucose ở bệnh nhân tiểu đường loại 2.
Gần đây, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấp phép để dùng loại thuốc này trong điều trị bệnh béo phì. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm tụy, bệnh túi mật và vấn đề về thận.