Trước luồng ý kiến cho rằng tình hình dịch bệnh sởi lan rộng nhưng Bộ Y tế vẫn không công bố dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết:
Hiện nay việc công bố dịch thực hiện theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch. Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương. Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao.
Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. (Ảnh: Internet)
Theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2010, việc công bố bệnh truyền nhiễm trong đó có sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:
1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:
- Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả.
- Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả.
- Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm hoạ.
Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm tại khoản 2 điều 38 quy định Thẩm quyền công bố dịch như sau:
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C.
Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch.
Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
Tại khoản 2 điều 38 của Luật này cũng quy định, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền quy định tại điều khoản trên phải quyết định việc công bố dịch.
Khi thị sát tình hình công tác phòng chống dịch bệnh sởi tại BV Nhi TƯ ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Hà Nội là địa phương có số trường hợp mắc bệnh sởi chiếm 30% số bệnh nhân cả nước, tử vong chiếm 50%. Tuy nhiên, Hà Nội đã quyết định không công bố dịch sởi nhưng vẫn quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch, khống chế không để dịch lây lan.
Như vậy, thời điểm này, việc công bố dịch sởi vẫn phải phụ thuộc vào việc đã có UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào công bố dịch chưa chứ không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Thực tế đến nay vẫn chưa có địa phương, kể cả Hà Nội công bố dịch.
Việc Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi không có nghĩa là không triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân. Thực tế trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cùng với các địa phương đã tập trung cao độ, huy động các nguồn lực vào công tác phòng chống bệnh sởi. Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố cũng đã thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các website và trên các đài báo, đồng thời đã triển khai rất nhiều hành động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc.
Dịch bệnh luôn có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng thời tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin sởi nhằm kiểm soát hoàn toàn một cách chủ động bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, việc báo chí đưa tin về tình hình dịch bệnh và các vấn đề y tế khác cần hết sức khách quan, chính xác để tránh gây dư luận hoang mang gây hậu quả khó lường như việc các bà mẹ bỏ tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ như thời gian vừa qua.
PV
- Bệnh sởi và những biến chứng
- Nguyên tắc chữa sởi của Hải Thượng Lãn Ông
- Trước nguy cơ bệnh sởi quay trở lại: Chủng ngừa bằng vắc-xin nào?
- Món ăn thuốc cho người bệnh sởi
- Dự phòng và điều trị bệnh sởi thế nào?
- Bệnh sởi, Đông y chữa thế nào?
- Không tiêm phòng sởi, trẻ bị biến chứng viêm phổi suýt chết
- Chủ quan với sởi, nhiều trẻ bị “bỏ quên” tiêm chủng
- Phân biệt sởi và thủy đậu
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhân sởi
- Bệnh sởi hoành hành, vì sao?