El Nino làm số cơn bão ít hơn?
Cho đến thời điểm này, vùng biển nước ta đã có 5 cơn bão đổ bộ nhưng chưa có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào đất liền. Chỉ có cơn bão số 1 (Talim) sau khi đi vào đất liền Trung Quốc thì suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới rồi đi vào vùng núi Lạng Sơn, Cao Bằng của nước ta. Cơ quan khí tượng cũng dự báo, trong những năm El Nino, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta ít hơn bình thường. Nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương (gọi chung là ENSO, kéo dài trong khoảng thời gian 8-12 tháng, hoặc lâu hơn. Hiện tượng này thường xuất hiện 3-4 năm/1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
Sau 3 năm ảnh hưởng của La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường) gây mưa lũ lớn, ENSO (tên gọi chung về hiện tượng El Nino và La Nina) hiện đang chuyển sang thái trung tính. Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trên cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%. Vì thế, nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023.
Liên Hợp Quốc và nhiều cơ quan khí hậu đã dự báo, trong năm nay sự xuất hiện của hiện tượng El Nino là rất lớn, nó gây ra sự nóng lên của một phần vùng biển Thái Bình Dương và ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Hiện tượng này làm giảm hoạt động xoáy thuận ở Bắc Đại Tây Dương, nhưng ở các khu vực khác trên thế giới nó sẽ tác động đến thời tiết theo những cách khác nhau.
Cụ thể, khu vực Đại Tây Dương, El Nino tạo ra áp lực trong bầu không khí với những cơn gió cường độ mạnh ở độ cao lớn. Sự cắt gió ngăn cản các xoáy thuận tăng lên độ cao, điều này khiến chúng khó hình thành và ít dữ dội hơn. Tuy nhiên, vấn đề nóng lên toàn cầu khiến nhiệt độ nước biển ấm lên có thể thay đổi tình hình, biến đổi khí hậu đang phá vỡ các quy luật tự nhiên của khí quyển, đại dương.
Và các dự báo mùa bão năm 2023 đang được chứng minh là một thách thức vì một lý do khác, Đại Tây Dương có nhiệt độ mặt biển ấm bất thường trong năm nay và điều đó có thể cung cấp năng lượng cho các xoáy thuận hình thành bão.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cảnh báo, ngay cả khi chúng ta bước vào mùa bão thực sự ít dữ dội hơn những mùa trước đó, chỉ cần một cơn bão duy nhất vẫn có thể tạo ra một thảm họa trên quy mô lớn. Giống như cơn bão Ian, nó đã tàn phá bang Florida (Mỹ) vào tháng 9 khiến ít nhất 161 người chết và thiệt hại hàng chục tỷ đô la.
Cơ quan này ước tính, số lượng bão hình thành ở Đại Tây Dương năm 2023 dự báo từ 12 đến 17 cơn bão được đặt tên, trong số đó từ 5 đến 9 cơn bão có cường độ trung bình và khoảng 1 đến 4 cơn bão lớn. Ở phía đông Thái Bình Dương, có khoảng 14 đến 20 cơn bão được đặt tên, 7 đến 11 cơn bão trung bình và 4 đến 8 cơn bão lớn. Đối với trung tâm Thái Bình Dương, bao gồm quần đảo Hawaii (Mỹ), NOAA dự báo có khoảng 3 đến 7 cơn bão.
Tháng 11 sẽ có bao nhiêu cơn bão?
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong tháng 11/2023 có khả năng xuất hiện khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất nhưng cường độ các đợt gió mùa đông bắc có khả năng không mạnh.
Trong tháng 11-2023, bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Thời kỳ này cũng là thời gian chính của mùa mưa tại khu vực Trung Bộ, do vậy các đợt mưa lớn do ảnh hưởng các hình thế thời tiết như không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và nhiễu động gió Đông trên cao sẽ còn xảy ra trên khu vực, cần đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đá trên khu vực.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo chính quyền và người dân thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực và trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương.
Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay 2/11: Mưa lớn diện rộng ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định| SKĐS