Sáng 14/3, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận cơ quan chủ trì thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan đã sửa đổi hoàn thiện luật này khá toàn diện và công phu. Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án luật đến nay đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng luật, tránh việc chỉ vào vấn đề về kỹ thuật, tiếp tục rà soát kỹ để tiếp tục thể chế hóa đủ kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đấu giá tài sản.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, dự án luật liên quan đến nhiều luật khác, tuy nhiên còn một số nội dung cụ thể chưa tương thích do đó đề nghị tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có tính chuyên ngành sâu, nặng về kỹ thuật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế lắng nghe, cầu thị các cơ quan, cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành tham gia góp ý thêm vào dự án luật bảo đảm chất lượng cao hơn và giải quyết được những điểm nghẽn đã chỉ ra.
Góp ý về vấn đề đấu giá thí điểm biển số xe ô tô, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trong điều khoản chuyển tiếp, luật này nêu rõ: "tiếp tục thực hiện Nghị quyết 73 của Quốc hội…", thời gian mới có 1 năm chưa đủ điều kiện để đánh giá tổng kết trước khi xem xét đưa vào Luật Đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, Chính phủ trình Luật Trật tự, an toàn giao thông đã đưa nội dung đấu giá biển số xe ô tô với những giải trình sau:
Đã đủ điều kiện để luật hóa Nghị quyết 73, theo Báo cáo bổ sung của Chính phủ, trong 5 tháng triển khai thực hiện rất thành công, đã đấu giá 14.062 biển số và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Lần này, qua thảo luận, đề xuất của ĐBQH, Chính phủ cho rằng, cần phải luật hóa vấn đề này, đồng thời mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là cần thiết.
Chính phủ cũng cho rằng, nếu không kịp thời đưa vào mà chờ hết thời gian thí điểm, tiến hành tổng kết thì lúc đó sẽ gây tốn kém, lãng phí thời gian.
Qua làm việc với Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị có thêm ý kiến của các bộ ngành và ý kiến của Chính phủ về nội dung này.
Tại Báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đây, Bộ Công an cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe, từ ngày 15/9/2023 đến hết tháng 2/2024 đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số ô tô, với tổng số tiền đấu giá là hơn 2.052 tỷ đồng. Trong đó, 14.062 biển số ô tô trúng đấu giá đã được khách hàng nộp hơn 1.395 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an: "Qua 5 tháng thực hiện đấu giá biển số ô tô đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời đã khai thác tài sản công có hiệu quả, tăng nguồn thu cho NSNN;. Việc đấu giá biển số được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ".
Từ đó, Bộ Công an đề xuất mở rộng đối tượng đấu giá biển số bao gồm biển số ô tô, xe mô tô, xe gắn máy.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu ý kiến, cơ bản đồng tình và tiếp thu với ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng như các Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và chỉnh lý phù hợp.
Về đấu giá được thực hiện theo hình thức đấu giá trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, sẽ hướng tới phương án xã hội hóa, xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, tinh thần của cơ quan trình là không bắt buộc tất cả các hoạt động đấu giá đều phải tuân theo, mà tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người theo cơ chế thị trường, dân sự.