Các hố sụt, hay còn gọi là "hố thiên đường", là một trong những nơi trú ẩn tự nhiên cuối cùng của các khu rừng cổ đại. Đây có thể là nơi ẩn náu của các loài mà khoa học chưa biết đến. Tuy nhiên, cách mà các loài này phát triển mạnh ở đáy những hố sâu vẫn còn là một bí ẩn.
Các loài thực vật như cây nguyệt quế, cây tầm ma và cây dương xỉ sống trong các hố sụt này phát triển mạnh nhờ vào nguồn dự trữ khổng lồ các chất dinh dưỡng như nitơ, phốt pho, kali, canxi và magiê.
Những chất này thường rất khan hiếm trong các môi trường khác, nhưng lại rất dồi dào trong các hố sụt, giúp cây cối phát triển cao và tận dụng tối đa những tia nắng mặt trời hiếm hoi chiếu tới đáy hố.
Các hố thiên đường này là những hố sâu khoảng 100m ở vùng núi đá vôi, phía tây nam Trung Quốc. Rất ít ánh sáng có thể chạm tới đáy của những chiếc hố này. Đây cũng là nơi trú ngụ của các loài thực vật ưa ẩm và bóng râm, bao gồm cả những loài đặc hữu của khu vực.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu từ 64 loài thực vật bên trong và bên ngoài các hố sụt ở huyện Lạc Nghiệp, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Huyện Lạc Nghiệp là nơi có nhiều hố thiên đường Dashiwei, một kỳ quan địa chất bao gồm 30 hố sụt trong khu vực rộng 20km2.
Qua việc phân tích hàm lượng carbon và chất dinh dưỡng, nghiên cứu đã hé lộ những chiến lược sinh tồn độc đáo, giúp thực vật tận dụng tối đa nguồn tài nguyên hạn chế trong các hố sụt.
Các loại cây trồng bên trong hố sụt có hàm lượng carbon thấp hơn, nhưng lại chứa nhiều canxi và kali hơn, đồng thời phát triển nhanh hơn. Điều kiện ẩm ướt bên trong hố sụt giúp cây cối phát triển tốt với lượng carbon thấp vì chúng không cần giữ nhiều nước. Ngược lại, các cây trồng bên ngoài có hàm lượng carbon cao hơn do tiếp xúc với ánh sáng mạnh và đất khô cằn.
Các loại cây trong hố sụt có hàm lượng nitơ và phốt pho cao hơn vì đất ở đáy hố chứa nhiều các nguyên tố này. Đất đá vôi giàu canxi và magiê. Cây trồng trong hố sụt có hàm lượng các nguyên tố này cao hơn nhiều so với cây trồng trên mặt đất. Chúng cũng chứa nhiều kali hơn, mặc dù kali khá khan hiếm trong đất đá vôi.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng tình trạng dinh dưỡng của đất bên trong các hố sụt rất tốt và thực vật đã tiến hóa để tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có, nhằm phát triển nhanh và thu được nhiều ánh sáng hơn.