Theo đó, Quốc hội đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau.
Phương án 2: Không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ.
Trên thực tế, sau nhiều lần lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật, quy định này đã bị đưa ra khỏi dự thảo Luật mà Ban soạn thảo của Bộ Y tế đã trình ngay từ dự thảo ban đầu. Còn nhớ thời điểm đó, dư luận dậy sóng với nhiều phản ứng gay gắt về quy định cấm bán rượu bia theo giờ, và tất nhiên sau đó quy định này đã bị cho "ra rìa".
Tuy nhiên, trước những tác hại khôn lường mà rượu bia gây ra cho sức khỏe, liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông, bạo lực xã hội, bạo lực tình dục… và ảnh hưởng đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Quốc hội đề nghị giữ lại những nội dung về kiểm soát quảng cáo và thời gian bán rượu bia trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Rượu bia gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe và xã hội, cần thiết có các quy định kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia.
Phương án 1 là chỉ được bán từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hàng ngày.
Phương án 2 là chỉ được bán từ 6-22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch).
Với phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.
Cần thiết luật hóa giờ cấm bán rượu bia
Bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thời điểm sau 22h đêm, rượu bia khiến tầm nhìn ban đêm có thể giảm tới 25%. Điều này cũng phù hợp với nhận định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là thời gian từ 20h tối đến 0h đêm là thời điểm gây nhiều tai nạn giao thông nhất trong ngày.
Người đi xe máy có nồng độ cồn 50mg/dl có nguy cơ tai nạn tăng gấp 40 lần so với người không uống. Bởi lẽ, rượu bia làm chậm phản ứng khoảng 10-30%; làm hạn chế khả năng phối hợp vài hoạt động trong cùng một lúc; hạn chế khả năng nhận biết các vật từ xa- chuyên gia Pháp chế thông tin.
Về quy định giờ cấm bán rượu bia, tại phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua, đại biểu Quàng Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, việc không quy định thời gian cấm bán rượu đối với mọi đối tượng từ 22h đêm đến 7h sáng ngày hôm sau vào dự thảo luật, tôi cho rằng như vậy là chưa chặt chẽ, chưa khoa học.
"Cần thiết phải quy định thời gian cấm bán rượu bia đối với mọi đối tượng từ 22h đêm đến 7h sáng ngày hôm sau, vì đây là thời gian gia đình và hàng xóm nghỉ ngơi, cần phải cấm để tránh mất trật tự an ninh, ồn ào cũng như con người cần phải có thời gian nghỉ ngơi để đào thải chất độc ra ngoài cơ thể.
Mặt khác, những người mua rượu, bia sau 22h đêm thường là những người nát rượu, nghiện rượu, họ không làm chủ được hành vi của mình nên cần thiết phải đưa quy định này vào điều cấm của dự thảo Luật"- đại biểu Quàng Thị Vân nói.
Uống rượu bia sau sau 22h đêm khiến tầm nhìn ban đêm có thể giảm tới 25%, gia tăng tai nạn giao thông. Ảnh minh họa.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cũng cho rằng, đây là việc cần phải làm để người dân, xã hội và các cơ sở kinh doanh nhận thức được và có thái độ ứng xử đúng với việc bán và uống rượu, bia quá mức.
"Ở đây tôi xin có một ví dụ nhỏ, trong thực tế cuộc sống, những thanh niên 18-20 tuổi có thể sử dụng rượu, bia quá mức, ở các thành phố lớn khi đã đủ 18 tuổi thì các bạn có thể lợi dụng việc đã đủ tuổi trưởng thành để đi vào các quán bar và các nơi kinh doanh rượu, bia.
Phụ huynh có thể phê bình, có thể mắng, có thể không đồng tình nhưng các cháu sẽ bảo con không vi phạm, luật pháp không quy định cấm uống rượu, bia đến 1-2 giờ sáng. Tôi nghĩ cần phải có khung giờ để giáo dục ý thức và nhận thức về việc này" - ông Chung nói thêm.