Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải hứng chịu gánh nặng của tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ. Trong năm 2014, số liệu của Uỷ ban An toàn giao thông cho thấy toàn quốc có 25.322 vụ va chạm, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417.
Ngày 29/6/2007 chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 32/2007/NĐ-CP trong đó qui định việc đội mũ bảo hiểm là việc bắt buộc khi tham gia giao thông bằng xe máy tại tất cả các tuyến đường và mọi thời điểm từ ngày 15/12/2007.
Đội mũ bảo hiểm giúp giảm 85% chấn thương đầu
Đội mũ bảo hiểm (MBH) là một biện pháp có hiệu quả cao trong việc phòng chống các thương tích đầu và mặt trong nhiều hoạt động bao gồm các hoạt động thể thao và đi lại bằng phương tiện xe máy hoặc xe đạp. Đội MBH là một biện pháp hiệu quả đối với tất cả các lứa tuổi từ nhỏ đến lớn.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tính hiệu quả của việc đội MBH cho trẻ em trong việc ngừa chấn thương đầu và mặt ở trẻ em tất cả các độ tuổi. Nghiên cứu tổng quan Cochrane đã rà soát các nghiên cứu bệnh chứng cho thấy việc đội MBH có thể giảm tới 85% chấn thương đầu đối với trẻ khi xe đạp của chúng va chạm với nhau, với vật cứng trên đường hoặc với các phương tiện cơ giới khác.
Một nghiên cứu tổng quan khác của nhóm tác giả Ivers và cộng sự đã tổng hợp tất cả các kết quả về hiệu quả của đội MBH từ 61 nghiên cứu khác nhau đã đưa ra kết luận việc đội MBH giảm 42% nguy cơ tử vong và các thương tích đầu/mặt giảm tới 69%. Các kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa tăng tỷ lệ đội MBH khi tham gia giao thông và giảm nguy cơ chấn thương đầu. Các kết quả này đúng với cả MBH khi đi xe đạp cũng như đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy.
Luật đội MBH bắt buộc cũng đã được chứng minh tính hiệu quả tốt trong việc giảm thương tích ở đầu của trẻ em tại nhiều nơi trên thế giới. Kết quả đánh giá cho thấy việc tăng cường tuyên truyền và giám sát chặt chẽ việc đội MBH cho trẻ có hiệu quả tốt trong giảm thiểu thương tích có liên quan.
Một số khuyến nghị
MBH là một biện pháp dự phòng có hiệu quả rất tốt trong việc phòng các thương tích vùng đầu cho trẻ em. Nghị định 171/2013/NĐ-CP và 107/2014/NĐ-CP đã cập nhật và qui định rõ trẻ em từ 6 tuổi trở lên bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng qui cách. Cũng như người lớn, khi tham gia giao thông bằng các phương tiện xe 2 bánh trẻ cũng sẽ phải đối diện với những nguy cơ tai nạn giao thông. Việc đội MBH cho trẻ sẽ giúp cho hạn chế tối đa các va đập với các vật cứng như nền đường hoặc phương tiện khi va chạm xảy ra. Việc đội MBH đạt chuẩn và cài quai đúng qui cách sẽ giúp giảm nguy cơ dẫn đến thương tích. Cha mẹ và người chăm sóc phải là những người đầu tiên giúp cho trẻ có được MBH và đội trong mọi lần đi xe máy. Ngoài ra nhà trường, xã hội cũng cần phải nâng cao việc tuyên truyền về sự cần thiết và tính hiệu quả của MBH trong phòng chống thương tích cho trẻ. Các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất cần phải chú ý đến việc đưa ra thị trường các loại mũ BH an toàn, phù hợp với cơ thể cũng như thời tiết tại Việt Nam. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan sẽ giúp cho việc tăng cường đội MBH cho trẻ góp phần làm giảm thiểu tối đa những thiệt hại về sức khoẻ cho bản thân trẻ và giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội trong tương lai.
PGS.TS. Phạm Việt Cường