Vì sao cần bổ sung vitamin A cho trẻ bị tiêu chảy?

14-07-2019 07:20 | Dược

SKĐS - Bé nhà tôi bị một đợt tiêu chảy do viêm ruột, phải điều trị gần 2 tháng mới khỏi hẳn. Sau khi cháu đã ổn định, bác sĩ kê đơn thuốc bổ sung vitamin A. Xin cho biết vitamin A có tác dụng gì đối với bệnh này?

Lê Thị Hòa ( Thái Nguyên)

Một bệnh rất thường gặp trong mùa hè là tiêu chảy do viêm ruột ở trẻ em. Hiện nay do tiến bộ của y học nên không nhiều trẻ gặp nguy hiểm vì bệnh này, nhưng biến chứng khô mắt thiếu vitamin A do tiêu chảy vẫn có thể gây tác hại nặng nề về thị lực cho trẻ. Đó chính là lý do mà bác sĩ khuyên bạn nên bổ sung vitamin A cho bé sau khi bị tiêu chảy kéo dài. Đối với những trẻ dưới 3 tuổi, thể trạng suy nhược, gầy gò, suy dinh dưỡng và đã trải qua một quá trình viêm ruột kéo dài mà không được điều trị triệt để... thì càng phải lưu ý tới vấn đề khô mắt do thiếu vitamin A.

Các nghiên cứu đã xác định vai trò của gan trong chuyển hóa vitamin A. Vì vitamin A tan trong mỡ và gan tiết ra mật để tiêu hóa các chất mỡ, do đó, giúp cho sự chuyển hóa vitamin A. Trong các thức ăn đưa vào cơ thể không có vitamin A, mà chỉ có tiền chất vitamin A và nhờ sự chuyển hóa của gan mà tiền chất này trở thành vitamin A. Và có tới 95% số lượng vitamin A có thể được dự trữ trong gan.Muốn vitamin A hấp thu tốt qua đường ruột, cần các điều kiện sau: trong thức ăn phải có chất mỡ, có muối, mật, có dịch tụy, thành ruột phải tốt. Trẻ em do quá trình tiêu chảy thiếu các yếu tố trên nên sẽ không hấp thu tốt vitamin A.

Ngoài bồi hoàn thêm vitamin A bằng đường uống, có thể một số trường hợp cần đồng thời dùng vitamin A tại chỗ lên mắt bệnh nhi. Ngoài thiếu vitamin A do tiêu chảy, trẻ còn có thể bị thiếu vitamin A trong các trường hợp sau: Trẻ biếng ăn (hoặc chế độ ăn thiếu chất) nên không đủ dưỡng chất, không đủ vitamin A trong chế độ ăn mỗi ngày; trẻ không được bú sữa mẹ. Có trường hợp trẻ còn bị cho ăn dặm quá sớm cũng dẫn đến thiếu vitamin A. Đa số các bé bị khô giác mạc sinh ra trong các gia đình nghèo khó, vệ sinh ăn uống thiếu thốn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể xảy ra ở trẻ sinh ra trong các gia đình khá giả với tư duy kiêng khem, hạn chế chất dinh dưỡng của các bậc phụ huynh.


BS. Lê Hà
Ý kiến của bạn