Bộ NN&PTNT vừa tiếp tục công bố 3 khu vực biển cách bờ 1,5km là hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh); cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) và hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích mặt nước khoảng 800km2 và khuyến cáo người dân không nên đánh bắt hải sản ở khu vực này, PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN) để làm rõ vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Oai.
PV: Vừa qua, Bộ NN&PTNT công bố 3 khu vực biển cách bờ 1,5km là hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh); cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) và hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích mặt nước khoảng 800km2 và khuyến cáo người dân không nên đánh bắt hải sản ở khu vực này. Lý do vì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Oai: Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển miền Trung đạt chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy sản, ngay sau đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế về nuôi trồng, khai thác hải sản và giám sát an toàn thực phẩm. Về khai thác hải sản, Bộ khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại 3 khu vực biển là hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh) cách bờ 1,5km với diện tích 300km2; cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) cách bờ 1,5km với diện tích 330km2 và hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế) cách bờ 1,5km với diện tích 160km2. Đây là những vùng có thông số sắt, phenol, xyanua cao hơn nơi khác dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Theo đó, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ngư dân không khai thác tầng đáy bằng lưới kéo, lặn, câu đáy, lồng bẫy… trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vì theo nhóm nghiên cứu hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, hệ sinh thái thủy sinh như san hô bắt đầu phục hồi, nếu khai thác ở tầng đáy đồng nghĩa với việc hủy hoại nó. Mục đích chủ yếu là bảo vệ khôi phục nguồn lợi thủy sản ở những nơi này.
Ngoài 3 vùng nói trên, ngư dân được khai thác bình thường trên các vùng biển, nhưng phải lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm. Theo đó, hải sản khai thác tại 4 tỉnh được bốc dỡ từ tàu đưa lên bờ tiêu thụ phải được lấy mẫu giám sát bởi Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản để phân tích cadimi, chì, thủy ngân, phenol, xyanua.
Khuyến cáo người dân nên đánh bắt vùng ngoài 20 hải lý 4 tỉnh miền Trung để bảo vệ nguồn lợi hải sản và nguồn lợi thủy sinh đang có dấu hiệu hồi phục.
PV: Bộ NN&PTNT khuyến cáo người dân không nên đánh bắt ở vùng 20 hải lý trở vào bờ trong khu vực các tỉnh miền Trung, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Oai: Khi sự cố môi trường Formosa xảy ra, qua kết quả điều tra của các đoàn giám sát của Bộ TN&MT, cộng với kết quả điều tra của Viện Môi trường (Bộ NN&PTNT) và kết quả điều tra khảo sát hệ sinh thái tầng đáy của Viện Nghiên cứu thủy hải sản Hải Phòng thuộc Bộ NN&PTNT đã sử dụng lấy 6 lát cắt tầng đáy của 4 tỉnh miền Trung để nghiên cứu tác động môi trường từ sự cố Formosa thì cho thấy vùng biển từ 20 hải lý đổ vào bờ của vùng biển nước ta do có dòng chảy hải lưu và vùng biển này hệ sinh thái đã bị tổn thương do chịu sự tác động trực tiếp từ hoạt động xả thải của Formosa nên đã khuyến cáo người dân là nên khai thác ở vùng biển ngoài 20 hải lý và tiêu thụ sản phẩm bình thường, còn trong 20 hải lý, hải sản khai thác tại 4 tỉnh được bốc dỡ từ tàu đưa lên bờ tiêu thụ phải được lấy mẫu giám sát để phân tích cadimi, chì, thủy ngân, phenol, xyanua để đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với sản phẩm hải sản khai thác mới, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp &PTNT và các địa phương tiến hành lấy mẫu và phân tích giám sát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm khai thác và tiến hành công bố.
PV: Hiện nay còn khoảng 3.900 tấn thủy sản đông lạnh lưu trữ tại 4 tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm. Lô hàng nào đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được cấp giấy chứng nhận để tiêu thụ; lô không đảm bảo sẽ được tiêu hủy và hỗ trợ 70% theo quy định. Việc này được quản lý như thế nào để tránh việc “tuồn” hải sản bị nhiễm độc không đủ tiêu chuẩn được tiêu thụ ra ngoài?
Ông Nguyễn Ngọc Oai: Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao cho Bộ Y tế lấy mẫu kiểm tra nếu bảo đảm an toàn thì cho tiêu thụ; nếu không an toàn sẽ phải tiêu hủy, đền bù theo quy định. Phó Thủ tướng cũng giao rõ nhiệm vụ cho các Bộ có liên quan như: Bộ TN&MT có trách nhiệm hướng dẫn tiêu hủy nếu hải sản không đảm bảo an toàn; Bộ Y tế thì kiểm nghiệm xác định hải sản an toàn, khi có kết quả của Bộ Y tế là an toàn và tiêu thụ ngoài thị trường thì trách nhiệm của Bộ Công Thương phải có hướng dẫn tiêu thụ như thế nào cho an toàn. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo sản xuất (bao gồm cả khai thác và nuôi trồng…). Đối với việc tiêu hủy, các địa phương phải thu gom, vận chuyển đến nơi chôn lấp đã được chuẩn bị sẵn. Nơi chôn lấp phải cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu du lịch… Khi chôn lấp, người dân cần bổ sung hóa chất như vôi bột, các loại hóa chất chuyên dụng được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản, không làm ô nhiễm môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!