1. Có thể tăng cân khi dùng thuốc tránh thai
Trong các biện pháp tránh thai, viên thuốc tránh thai kết hợp chứa hormone estrogen và progestin được cho là có nguy cơ tăng cân nhiều nhất. Nghiên cứu cho thấy, loại thuốc này có thể làm tăng lượng mỡ trong cơ thể và giảm khối lượng cơ nạc ở những người đang cố gắng giảm cân.
Các nhà nghiên cứu cho hay, có một số yếu tố có thể góp phần làm tăng cân khi đang dùng thuốc tránh thai:
Tuổi tác: Nhiều người bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai ở tuổi thiếu niên. Tăng cân là điều bình thường khi cơ thể phát triển.
Cảm giác thèm ăn: Mức progesterone tăng có thể gây ra tình trạng ăn quá nhiều, đặc biệt là các thực phẩm giàu carbs, muối và chất béo.
Giữ nước: Điều này có thể xảy ra trong vài tháng đầu sử dụng biện pháp tránh thai. Việc giữ nước có thể khiến cơ thể tăng thêm cân.
Đang mắc một số bệnh: Những người sử dụng biện pháp tránh thai có mắc một số bệnh như trầm cảm, lo âu, rối loạn nội tiết tố… cũng dễ tăng cân hơn.
Căng thẳng: Căng thẳng quá mức có thể làm tăng nguy cơ tăng cân.
2. Biện pháp tránh thai nào dễ gây tăng cân?
Một số biện pháp tránh thai khác cũng có thể liên quan đến tăng cân:
Dụng cụ tử cung nội tiết tố (DCTC): Những loại này giải phóng progestin, một dạng progesterone tổng hợp và có liên quan đến việc tăng cân trung bình khoảng 300g trong một năm và gần 2 kg trong 10 năm.
Que cấy tránh thai: Thiết bị này giải phóng progestin, có thể dẫn đến tăng cân nhiều hơn so với các phương pháp tránh thai không dùng nội tiết tố.
Vòng tránh thai không nội tiết tố: Những vòng tránh thai này có liên quan đến việc tăng cân trung bình hơn 2kg sau 10 năm.
Thuốc tiêm tránh thai: Một số bằng chứng cho thấy Depo-Provera (DMPA), một loại thuốc tiêm tránh thai ngừa thai thông thường, có thể dẫn đến tăng cân trung bình khoảng 1,4 kg trong một năm và 6,3 kg sau 10 năm. DMPA cũng có thể làm tăng lượng mỡ trong cơ thể.
3. Làm cách nào để giảm nguy cơ tăng cân do các biện pháp tránh thai?
Để tránh tăng cân sau khi dùng biện pháp tránh thai, nên thực hiện:
Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng: Nhiều người có thể cảm thấy đói hơn bình thường sau khi bắt đầu dùng biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, để tránh tăng cân, nên ăn nhẹ bằng trái cây, rau, protein nạc và sữa ít béo hoặc không béo. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều carbs, calo, đường bổ sung, chất béo và muối.
Luyện tập thể dục đều đặn: Người lớn nên tập thể dục ít nhất 30 phút trong 5 ngày mỗi tuần (150 phút mỗi tuần) để kiểm soát cân nặng.
Có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như đạp xe, chạy, bơi và đi bộ hoặc thực hiện các hoạt động tăng cường cơ bắp 2 ngày/tuần như chống đẩy, gập bụng, nâng tạ, sử dụng dây kháng lực.
Giảm căng thẳng: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng mạn tính làm tăng lượng hormone cortisol trong cơ thể, từ đó khiến bạn ăn quá nhiều, dẫn đến tăng cân. Vì vậy, cần kiểm soát căng thẳng. Nên thực hiện: Ngủ đủ giấc, tập thiền, hít thở sâu, thư giãn…
Ngoài việc tăng cân khi dùng các biện pháp tránh thai, một số người có thể gặp tác dụng phụ khác như vô kinh và thay đổi chu kỳ kinh nguyệt (chảy máu và ra máu bất thường), nổi mụn trứng cá, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mất mật độ xương, thay đổi tâm trạng, buồn nôn, kích ứng da, ngực mềm, tiết dịch âm đạo…
Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ này. Tuy nhiên, nếu tăng cân hoặc gặp các triệu chứng bất thường sau khi dùng các biện pháp tránh thai, nên trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
2 người phụ nữ suýt thủng ruột do vòng tránh thai 'chạy' lạc chỗ.