Hà Nội

Vì sao cá tầm Trung Quốc rẻ bèo?

07-05-2013 14:58 | Thời sự
google news

Vì sao cá tầm – một loại cá được xem làđặc sản, “lặn lội” nhiều trăm cây số từ Trung Quốc (TQ) về tới các chợ đầu mối ở Hà Nội nhưng chỉ bán với giá hết sức bèo 70 – 80 nghìn đồng/kg?

Vì sao cá tầm – một loại cá được xem làđặc sản, “lặn lội” nhiều trăm cây số từ Trung Quốc (TQ) về tới các chợ đầu mối ở Hà Nội nhưng chỉ bán với giá hết sức bèo  70 – 80 nghìn đồng/kg?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phân tích, mấu chốt vấn đề nhiều khả năng đang nằm ở câu chuyện thức ăn cho cá tầm.

Ông Điền cho biết, cá tầm đã được đưa vào nuôi với quy mô rất lớn tại nhiều địa phương ở TQ từ rất lâu, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Châu – vùng giáp với biên giới Việt Nam. Cùng với việc phát triển vùng nuôi, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi tại TQ từ lâu cũng đã tự SX được thức ăn chuyên dụng cho cá tầm với giá rất rẻ, hiện nay chỉ bằng khoảng 50 – 60% so với giá cám dành cho cá rô phi bán tại Việt Nam.

Với điều kiện đó, giá thành SX mỗi kg cá tầm thương phẩm tại TQ hiện nay thực chất chỉ vào khoảng 60-70 nghìn đồng/kg. Theo ông Điền, các vùng nuôi cá tầm lớn tại Quảng Châu hiện nay chỉ cách biên giới nước ta khoảng 3 giờ chạy ô tô. Điều này giải thích, với quy mô nuôi rất lớn, việc cá tầm TQ về tới các chợ đầu mối phía Bắc, bán với giá trên dưới 100 ngàn đồng, thậm chí chỉ 70 – 80 nghìn đồng/kg là hoàn toàn dễ hiểu, thương lái vẫn lãi.

Trong khi đó tại Việt Nam, nghề nuôi cá tầm hình thành chưa lâu. Thức ăn cho cá hiện vẫn đang phải NK thành phẩm. Ông Nguyễn Huy Điền cho biết, mới đây, việc nghiên cứu SX thức ăn cho cá tầm mới chỉ manh nha ở một vài DN.
Vì sao cá tầm Trung Quốc rẻ bèo? 1
Nghề nuôi cá tầm ở VN vừa hình thành đã bị "đè bẹp" bởi cá tầm nhập lậu từ TQ.

Cụ thể ở phía Nam có Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi Ngọc Long (Bình Dương) đã SX thức ăn chuyên cho cá tầm và khảo nghiệm thành công tại một số vùng nuôi cá tầm ở Lâm Đồng. Mặc dù chất lượng cám cá tầm của Cty này SX được đánh giá khá cao và đã được Tổng cục Thủy sản cấp chứng nhận cho phép SX nhưng giá thành hiện vẫn rất cao (giá cám cá tầm tại TQ chỉ bằng 50 – 60% so với giá cám do đơn vị này SX).

Ngoài ra ở phía Bắc, mới chỉ có Tập đoàn DABACO (Bắc Ninh) đang tiến hành nghiên cứu SX thí nghiệm thức ăn cho cá tầm nhưng chưa chính thức đi vào SX... Với những bất lợi trên, theo ông Nguyễn Huy Điền thì giá thành SX cá tầm thương phẩm ở Việt Nam ít nhất trên 100 nghìn đồng/kg – cao gấp đôi so với giá thành SX cá tầm tại TQ.

Điều này khẳng định so với Việt Nam, cá tầm TQ đã đi trước rất xa. Về mặt nào đó, có thể nói một giai đoạn do cá tầm mới xuất hiện trên thị trường, người tiêu dùng còn lạ lẫm, xem như là đặc sản nên bị hét lên tới 400 – 500 nghìn đồng/kg là quá giá trị thực.

Mặc dù vậy, ông Điền khẳng định đối với hoạt động nhập lậu cá tầm trái phép diễn ra trong thời gian qua, các cơ quan quản lí thị trường, công an kinh tế cần vào cuộc ráo riết để ngăn chặn, xử lí theo quy định pháp luật. Đối với hoạt động NK giống cá tầm, Tổng cục Thủy sản cũng đang tăng cường việc quản lí chặt chẽ.
Vì sao cá tầm Trung Quốc rẻ bèo? 2
Một tiểu thương tại chợ Thành Công (Hà Nội) cho biết, cá tầm Trung Quốc thường ngắn và béo còn cá tầm Việt Nam dài và thon (Ảnh: tinmoi.vn).

Ông Nguyễn Huy Điền nói thêm:“Muốn biết chất lượng cá tầm của ta so với cá tầm TQ thế nào, cần phải lấy mẫu phân tích về các hàm lượng dinh dưỡng mới có thể khẳng định được. Việc giá cá tầm TQ bán rất rẻ liệu có liên quan gì tới việc sử dụng chất tăng trọng, chất kích thích hay không cũng khó mà khẳng định được".

"Về thức ăn cho cá tầm, tôi cho rằng thành phần nguyên liệu ở TQ hay ở Việt Nam SX có lẽ cơ bản cũng là giống nhau cả. Việc giá cám cá tầm của Việt Nam SX đắt hơn rất nhiều ở TQ có thể do nhiều nguyên nhân, cơ bản do kinh nghiệm, bề dày SX, công nghệ, thị trường... Cũng có thể do giá cá tầm thương phẩm ở ta lâu nay quá cao, nên nhà SX cám cũng hét giá cám trên trời chăng?”, vẫn theo ông Điền.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều qua (6/5), trả lời câu hỏi của PV liên quan đến việc quản lý thị trường buông lỏng để thủy sản Trung Quốc nhập lậu ồ ạt vào thị trường Việt Nam, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) thừa nhận, việc nhập lậu thủy sản từ Trung Quốc đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. “Tuy nhiên, lực lượng QLTT chỉ có chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nội địa. Còn việc hàng qua biên giới là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều địa phương”, ông Lam nói.
Theo ông Lam, do lợi nhuận cao, các đối tượng buôn lậu bất chấp mọi thủ đoạn để vi phạm pháp luật, chúng luôn theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng, thấy sơ hở là thực hiện ngay việc vận chuyển, tẩu tán hàng hóa. Vì thế, việc bắt giữ rất khó khăn.
“Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, và phải thực hiện lâu dài. Trước mắt, cần tập trung quản lý chặt chẽ các địa bàn trọng điểm như Quảng Ninh, Lào Cai… Về mặt lâu dài chúng ta cần xây dựng các chính sách bảo hộ các mặt hàng trong nước, nâng cao nhận thức của các địa phương để tăng cường chủ động chống lại các hành vi buôn lậu”, ông Lam đề xuất.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


Ý kiến của bạn