Cá trong Hồ Tây sẽ còn tiếp tục chết?
Theo ghi nhận, cá chếtt đa phần là cá trôi, cá mè, cá chép… Thậm chí, có cá lớn từ 3 - 5 kg/con cũng chết nổi trên mặt nước, bị gió thổi dạt vào bờ, bốc mùi hôi tanh.
Từ nhiều năm nay, hiện tượng cá chết ở Hồ Tây thi thoảng lại diễn ra. Chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, tư vấn độc lập cho các tổ chức môi trường phi chính phủ khẳng định nếu không có biện pháp nào thực hiện, cá ở Hồ Tây sẽ còn tiếp tục chết. Điều này đã được ông khẳng định từ năm 2016. Nguyên nhân là hàm lượng chất hữu cơ, dinh dưỡng trong hồ quá cao gây thiếu oxy. Chỉ cần có trận mưa lớn hoặc không có gió là cá chết.
GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, khả năng lớn là cá chết là do thiếu oxy hoặc do nước thải của một công ty nào đó đổ xuống hồ. Bởi cá chết do dịch bệnh sẽ không chết số lượng nhiều như vậy. Phần lớn số cá chết nhiều là những loại cá trắng ở tầng mặt như: cá mè, cá trôi, cá rô phi... Qua một số kết quả nghiên cứu nước Hồ Tây trong thời gian gần đây, có thể thấy nước Hồ Tây đang bị ô nhiễm khá nặng bởi nhiều cống nước thải sinh hoạt, nhà hàng nổi vẫn xả trực tiếp xuống hồ. Đã đến lúc phải áp dụng các công nghệ xử lý nước hồ để tạo môi trường sống ổn định cho các loài thủy sinh.
Theo các chuyên gia, tất cả các ao hồ là một hệ xử lý sinh học có khả năng tự xử lý nước thải nhưng ở ngưỡng rất nhỏ. Quá ngưỡng đó thì sẽ bị phá vỡ cân bằng hệ sinh thái dẫn đến ô nhiễm. Chu trình chuỗi thức ăn và lưới thức ăn ở các hồ là cân bằng. Sinh vật phân hủy tạo ra chất khoáng là thức ăn của động vật phù du, đây lại là thức ăn của các loài động vật lớn hơn… Chỉ một khâu trong đó bị phá vỡ là sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái.
Giải pháp nào cứu cá Hồ Tây?
Theo chuyên gia Đào Nhật Đình, để cải thiện môi trường nước Hồ Tây, bắt buộc phải đầu tư, trước tiên là xử lý nước thải. Phải chặn tất cả các nguồn nước thải vào hồ, đưa vào một cống riêng để dẫn về nhà máy xử lý nước thải.
Giải pháp khả thi nhất là dẫn về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, cách Hồ Tây 15km. Ngay phía đầu đường Hoàng Quốc Việt đã có đường ống dẫn nước thải về Yên Xá. Chỉ cần xây khoảng 4-6 hố ga lớn, đồng thời là trạm bơm nâng cốt nước thải vòng quanh hồ. Có như thế sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
Tiếp theo là bổ sung nguồn nước vào hồ khi cần bằng một đường ống và trạm bơm nối sông Hồng. Đây là giải pháp khá đơn giản, thời gian thi công ngắn, chỉ khoảng 1 năm sẽ xong. Tiến hành trồng cây thủy canh, sục khí như hiện nay đang làm, thi thoảng nạo vét hồ sạch… thì Hồ Tây sẽ giữ được cảnh quan, đồng thời cá trong hồ sẽ sống khỏe.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện Kỹ thuật và Môi trường cho biết, hiện ô nhiễm ở các hồ phần lớn là do hàm lượng nitơ và photpho quá lớn. Vì lý do đó, trồng các loại cây thủy sinh như lục bình, thủy trúc… sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước hồ. Các loài này giúp chuyển hóa, hấp thụ các loại vi khuẩn có hại trong nước để làm sạch nước hồ. Tuy nhiên, khi đưa vào hồ các loài thực vật này phải có sự kiểm soát trên một diện tích nhất định. Nếu muốn làm sạch hồ nhanh thì có thể sử dụng các biện pháp sinh học ví dụ như phương pháp thổi khí, hoặc trồng cây thủy sinh...
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, nạo vét hồ và ngăn không cho nước thải bẩn đổ vào hồ là một giải pháp khá tốt. Trước khi nước thải đổ vào hồ thì sẽ qua hệ thống xử lý nước thải. Nước thải sau khi đạt chuẩn mới được đưa vào hồ. Hoặc người ta sẽ tạo ra những đoạn cống bao quanh để ngăn không cho nước thải đổ vào hồ. Bởi nước thải chính là nguyên chính gây ô nhiễm nước. Nếu xác định hồ bị ô nhiễm nặng, bùn yếm khí quá nhiều (gây mùi hôi, thối và làm chết tôm, cua, cá...)... thì cách tốt nhất là phải nạo vét hồ.
Trước đó, vào các năm 2016 và 2018, tại hồ Tây cũng từng xảy ra đợt cá chết rất nhiều. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã có các giải pháp cải thiện nước hồ Tây như bơm thêm oxy vào nước hồ, mời các chuyên gia phân tích về chất lượng nước...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 6/10: Dượng "hờ" găm đinh bé gái Thạch Thất tử vong bị truy tố khung tử hình | SKĐS