Cà Mau hạn mặn khốc liệt
Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù các địa phương đã dự tính trước các kịch bản, chủ động ứng phó, nhưng những thiệt hại cũng xã xảy ra. Tại Cà Mau hệ thống kênh rạch vùng ngọt hóa cạn trơ đáy. Điều này dẫn đến tình trạng sụt lún, khát nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.
Đặc biệt là tại xã Trần Hợi, Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Bà Tăng Thị Nương, một cư dân địa phương, phải đối mặt với những khó khăn đáng kể khi con kênh trước nhà bà cạn khô, đường giao thông bị sụt lún, và nguy cơ sạt lở đe dọa căn nhà của bà. Với hơn 130 kênh rạch vùng ngọt hóa khô cạn, hơn 10km đường giao thông bị sụt lún và hư hỏng nghiêm trọng, và gần 4.000 hộ dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, Cà Mau là bán đảo tách biệt khỏi hệ thống sông Mekong nên 100% nước dựa vào nước trời. Nghĩa là có mưa mới có nước.Xét về tổng lượng mưa thì Cà Mau không phải là vùng ít mưa vì tổng lượng mưa lên tới 2700mm-3000mm/ năm. Tuy nhiên lượng mưa này chỉ tập trung trong các tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Các tháng còn lại từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau hầu như không mưa hoặc lượng mưa rất ít.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, vào các năm có El Nino xuất hiện như 2015-2016, 2019-2020, và 2023-2024, các tháng từ 12 đến tháng 4 năm sau hầu như không có mưa. Khi El-nino xuất hiện, hạn hán thường sẽ xảy ra vào cuối kỳ El-nino. Chẳng hạn giai đoạn 2015-2016 thì đến đầu năm 2016 mới xảy ra hạn hán khốc liệt. Giai đoạn 2019-2020 thì đến đầu năm 2020 mới xảy ra hạn hán khốc liệt. Giai đoạn 2023-2024 thì đến đầu năm 2024 mới xảy ra hạn hán khốc liệt.
Năm nay, chỉ số El Nino đỉnh điểm là +2,0 độ C, thấp hơn năm 2015-2016 (+2,6 độ C) và cao hơn năm 2019-2020 (+0,8 độ C). Từ các giá trị của El Nino có thể suy ra hạn hán năm nay sẽ ở mức cao và cao hơn mức năm 2020, thấp hơn năm 2016.
Trong các năm 2022, 2023 là năm có La Nina, Cà Mau vẫn được bổ sung một lượng mưa nhỏ vừa phải trong giai đoạn mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 2, và những cơn mưa đầu mùa bắt đầu từ tháng 3. Tuy nhiên trong năm nay, hầu hết các tháng từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 4 năm 2024 không có mưa (Chỉ có trạm Phú Hưng có mưa 1 ngày đo được 22mm). Như vậy việc xảy ra hạn hán và thiếu nước là tất yếu ở Cà Mau.
Cách nào chống hạn?
TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, với tổng lượng mưa trung bình từ 2700-3000mm mỗi năm hoàn toàn có thể tích trữ tại chỗ. "Tôi từng nghiên cứu ở quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, nơi không hề có sông suối và mỗi năm chỉ mưa 6 tháng nhưng người dân và chính quyền vẫn có cách sống chung với hạn bằng giải pháp hồ chứa. Họ xây cả bể chứa nước mưa trong khuôn viên của sân bay", TS Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ.
Theo ông Huy, giải pháp hồ chứa và chuyển đổi mô hình canh tác dựa vào nguồn nước là giải pháp rẻ tiền và phù hợp nhất với Cà Mau trong giai đoạn này. Hồ chứa chứ không phải cống ngăn mặn. Hãy tích nước nội đồng thay vì chặn nước ngọt ở các cửa sông lớn, vừa cản trở giao thông thuỷ, vừa gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các loài thuỷ sinh vật di cư. Hồ chứa cũng giúp quá trình cân bằng đào đắp cho Cà Mau nói riêng và Mekong delta nói chung trong bối cảnh các không gian sống, không gian cho hạ tầng đang dần bị ngập do nước biển dâng và sụt lún đất. Đào hỗ trữ nước và lấy đất đào hồ san nền, làm đường thay vì lấy cát san nền như hiện nay.
TS Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, Chính phủ và chính quyền tỉnh Cà Mau cần sớm nghiên cứu và triển khai quy hoạch tích trữ nước cho Cà Mau nếu không mỗi khi El Nino xuất hiện lại phải huy động nguồn lực ứng phó. Cần có tầm nhìn trăm năm trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng và các chu kỳ El Nino có tần suất lặp lại dày hơn.
Với các tỉnh khác của Đồng bằng sông Cửu Long thì có khác Cà Mau vì các tỉnh khác nhận nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Dù có nước Mekong nhưng những năm El Nino nước cũng không về do toàn vùng Đông Dương đều thiếu mưa và các thuỷ điện chặn hết nước trong lúc nước mặn từ biển dâng cao. Rất cần một tầm nhìn về quản trị nguồn nước 100 năm tới cho Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hạn hán ngày càng khốc liệt. Rất cần hồ chứa! Rất cần một đường ống vận chuyển nước liên tỉnh kết nối với các hồ chứa để mỗi năm hạn hán về không phải chở từng sà lan nước, từng xe bồn đi cấp nước cho dân.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 10/4: Miền Bắc nắng nóng diện rộng dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương | SKĐS