Vì sao Bộ Y tế không đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động tham gia BHYT?

06-03-2024 14:43 | Y tế

SKĐS - Liên quan đến đề xuất hỗ trợ thân nhân người lao động tham gia BHYT, Bộ Y tế cho rằng dù đây là chính sách nhân văn nhưng thời điểm chưa phù hợp. Vì vậy Bộ Y tế đã không đề xuất phương án này trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật BHYT sửa đổi.

Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định có liên quan và thực tiễn để tăng tỷ lệ người tham gia BHYT

Thông tin với phóng viên Sức khỏe & Đời sống, ThS Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho biết, sau gần 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đạt được nhiều thành công, với hơn 93% người dân tham gia BHYT.

Tuy nhiên bà Trang cho hay vẫn còn gần 7% người dân chưa tham gia BHYT, phần lớn theo diện tự đóng BHYT hộ gia đình, các đối tượng làm nông nghiệp, diêm nghiệp, chủ hộ tự kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh... Chính vì thế ở lần sửa đổi này ban soạn thảo tập trung nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp để tăng tỷ lệ bao phủ của các đối tượng trong nhóm gần 7% này.

Vì sao Bộ Y tế không đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động tham gia BHYT?- Ảnh 1.

Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đạt được nhiều thành công, với hơn 93% người dân tham gia BHYT

"Mới đây, Bộ Tư pháp vừa thực hiện thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT. Một trong những chính sách được Bộ Y tế đề xuất tại Dự án Luật lần này là điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn nhằm tăng tỷ lệ người tham gia BHYT để đạt mục tiêu BHYT toàn dân, đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc tiếp cận dịch vụ BHYT.

Đồng thời pháp điển hóa và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của quy định pháp luật về BHYT với quy định của pháp luật về BHXH và các lĩnh vực liên quan khác"- bà Trần Thị Trang thông tin.

Nội dung của chính sách bao gồm việc sửa đổi, bổ sung quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy tại Luật BHYT, các nghị định của Chính phủ, các Luật có liên quan được ban hành trong thời gian qua và đặc biệt là đồng bộ với các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đang được quy định tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang trình Quốc hội ban hành như: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên.

Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương...

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT

Bà Trang cho hay, để lựa chọn được giải pháp khả thi, phù hợp và đề xuất chính sách, trên cơ sở hệ thống pháp luật hiện hành, thực tiễn triển khai, kinh nghiệm quốc tế, có 3 phương án đã được liệt kê để thực hiện đánh giá tác động của các đối tượng chịu tác động có liên quan bao gồm:

Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại Điều 12 Luật BHYT để phù hợp với thực tiễn thực hiện Luật thời gian qua; Pháp điển hóa, cập nhật các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại các Nghị định của Chính, các Luật có liên quan được ban hành trong thời gian qua và đặc biệt là đồng bộ với các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đang được quy định tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang trình Quốc hội ban hành.

Quy định theo nhu cầu thực tiễn khi đủ điều kiện chính sách BHXH bổ sung mang tính tự nguyện do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định của Chính phủ trong đó việc tham gia BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

Phương án 2: Bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động, trong đó, nhóm thân nhân người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. 70% còn lại do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng, trong đó người lao động đóng 1/3 và chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (tương tự như trách nhiệm đóng đối với người lao động) và một số quy cơ chế khuyến khích đóng BHYT một lần cho tối đa 03 năm để tạo cơ chế đóng thuận tiện, duy trì người dân tham gia BHYT;

Quy định chính sách BHYT bổ sung mang tính tự nguyện do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định của pháp luật trong đó việc tham gia BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

Vì sao Bộ Y tế không đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động tham gia BHYT?- Ảnh 2.

Liên quan đến đề xuất hỗ trợ thân nhân người lao động tham gia BHYT, Bộ Y tế cho rằng dù đây là chính sách nhân văn nhưng thời điểm chưa phù hợp. Vì vậy Bộ Y tế đã không đề xuất phương án này trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật BHYT sửa đổi.

Phương án 3: Giữ nguyên như quy định hiện hành.

Theo bà Trần Thị Trang, sau khi thực hiện đánh giá tác động đối với các đối tượng chịu sự tác động của các bên liên quan trên cơ sở cân nhắc giữa ưu điểm và khó khăn, Bộ Y tế đã đề xuất phương án 1 như đã nêu ở trên.

"Phương án 2 có bổ sung đối tượng thân nhân người lao động tham gia BHYT theo người lao động với mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 30% mức đóng, 70% còn lại do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng đã không được đề xuất lựa chọn tại dự án Luật lần này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay và không tác động đến hoạt động của doanh nghiệp sau giai đoạn khó khăn của đại dịch"- bà Trang nhấn mạnh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đưa ra phương án mở rộng thêm phạm vi quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh đối với một số bệnh, đối tượng theo danh mục do Bộ Y tế quy định căn cứ vào khả năng cân đối của Quỹ BHYT và yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, bao gồm:

- Khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh để ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh theo danh mục bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (ung thư cổ tử cung; tăng huyết áp; đái tháo đường; viêm gan C, B; ung thư vú);

- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi (luật hiện hành chỉ thanh toán cho trẻ em <6 tuổi); Khám sức khỏe định kỳ cho một số đối tượng: trẻ em dưới 6 tuổi, hưu trí, người tham gia BHYT tự đóng;

- Khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không thể tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người khuyết tật nặng đối với một số bệnh, dịch vụ kỹ thuật được khám bệnh, chữa bệnh tại nhà;

- Khám chữa bệnh từ xa trong một số trường hợp áp dụng với một số đối tượng và các trường hợp cấp cứu;

- Bổ sung dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc sơ sinh (sàng lọc Thalassemia trước sinh, sàng lọc suy giáp).

Đề xuất BHYT chi trả sàng lọc ung thư cổ tử cung, vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan B, CĐề xuất BHYT chi trả sàng lọc ung thư cổ tử cung, vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan B, C

SKĐS - Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả BHYT bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B. Dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn