Mười hai điều cấm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đưa ra cho ban quản lý dự án (QLDA) trực thuộc được cho là không mới, bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác đã có. Lạ là các ban QLDA, doanh nghiệp, lẫn giới chuyên gia lại cho rằng vẫn cần thiết. Vì sao vậy?
Khó tránh những cú điện thoại
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa ban hành 12 điều không được làm đối với ban QLDA và công chức, viên chức trực thuộc tại các dự án do Bộ GTVT quản lý. Các điều cấm này động chạm đến hầu hết các hình thức tiêu cực trong một dự án (từ khâu lập dự án, chọn nhà thầu đến thực hiện, quyết toán dự án).
Trong đó, có các quy định cụ thể như: Cán bộ ban QLDA không được chấm các gói thầu có người thân tham dự; nghiêm cấm việc chỉ định nơi cung ứng vật liệu. Đây có thể coi là đường đi phổ biến của vấn nạn tham nhũng - biến quyền lực, mối quan hệ thành tiền.
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông (Bộ GTVT) cho biết: Các quy định nêu ra trong văn bản này đã có trong các luật, nghị định; đây có thể coi là bản rút gọn, cụ thể hóa. “Dù luật đã có, nhưng do chủ trương của Bộ đưa ra cho năm nay là năm siết chặt kỷ cương, chất lượng công trình nên cần một văn bản để cụ thể hóa, dễ thực hiện nhất” – ông Sanh nói.
“Các quy định cấm này sẽ tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nếu không quy định rõ ràng, một nhà thầu có uy tín cũng phải lo ngại trước một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, nhưng giỏi quan hệ”.
Ông Lê Ngọc Hoa, Tổng GĐ Cienco 4
Còn một số lãnh đạo ban QLDA thuộc Bộ GTVT cho rằng, các điều nêu trong quy định cấm của Bộ đã xảy ra từ nhiều năm nay. “Khi triển khai dự án, khó có thể tránh được những cú điện thoại, cuộc gặp gỡ để đặt vấn đề chọn nhà thầu, mua vật liệu. Khi đó, do mối quan hệ, không dễ xử lý” – một lãnh đạo ban QLDA thuộc Bộ GTVT nói.
Thậm chí, ông Lê Xuân Sinh, Tổng GĐ Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) còn nói: “Chúng tôi cũng được góp ý kiến về văn bản này và rất đồng tình. Nếu ai muốn xin hay can thiệp thì đưa văn bản này ra”. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số ban QLDA, có điểm trong văn bản trên cần uyển chuyển hơn.
Chẳng hạn, ông Lê Huy Thăng (GĐ Ban QLDA Đường thủy phía Bắc) đồng tình với tất cả các điều cấm; riêng điều thứ 7 (Không được cho triển khai thi công xây dựng khi nhà thầu chưa xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo đúng quy định hiện hành), cần loại trừ một số trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ, thi công để tránh mùa mưa lũ.
Có loại được “thợ bậc 7 mặc quần đùi, đội nón, đi dép lê”?
Trả lời về kế hoạch triển khai các quy định cấm, xử lý khi các ban QLDA vi phạm, ông Trần Xuân Sanh cho biết: Tới đây, Bộ GTVT sẽ có quy trình triển khai, trong đó có sự tham gia của Cục. Tiêu cực trong dự án thường nhạy cảm, người tố giác thường không muốn xuất hiện? Ông Sanh nói: “Nếu thông tin tố giác có địa chỉ, sự việc cụ thể rõ ràng, dù là nặc danh cũng cần được xem xét”.
Về biện pháp xử lý khi phát hiện sai phạm, ngoài các quy định chung của pháp luật, ông Sanh cho biết, kết quả thực hiện 12 điều cấm sẽ là cơ sở để xếp loại các ban QLDA (đang được Bộ GTVT thực hiện). “Nếu ban QLDA nào xếp loại thấp sẽ không được giao dự án; thậm chí là chấm dứt hoạt động”, ông Sanh nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước (Bộ Xây dựng) cho rằng: Dù có nhiều quy định pháp luật nhưng việc lựa chọn nhà thầu lâu nay chưa thực sự tốt; nhiều nhà thầu yếu kém vẫn lọt ra công trường.
“Có nhà thầu, hồ sơ năng lực đẹp, nhân sự toàn thợ bậc 7; ra công trường lại toàn thấy công nhân quần đùi, đội nón, đi dép lê; máy móc thì thiếu thốn” – Phó GS Chủng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Giáo sư Chủng đồng tình với văn bản của Bộ trưởng GTVT khi đã cụ thể hóa và thể hiện một cách rành mạch quan điểm. Tuy nhiên, Phó Giáo sư Chủng cho rằng. “Hi vọng, Bộ GTVT ngoài việc giám sát tại ban QLDA sẽ tổ chức tốt hơn việc giám sát tại hiện trường. Ở các nước, nếu nhà thầu cam kết khi đấu thầu là đưa nhân lực tốt, máy móc hiện đại ra công trường, nhưng khi thực hiện lại không có sẽ bị loại bỏ ngay”.