Vì sao Bộ KH&CN không cấp phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa?

09-05-2014 10:34 | Thời sự
google news

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân nói về lý do tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hoà (Thái Bình) không được Bộ cấp phép thử nghiệm.

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết, việc cấp phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 01 của ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình phải do Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương nơi thử nghiệm thực hiện.

 

Vì sao Bộ KH&CN không cấp phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa?
Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm trong hồ, chờ ngày ra biển

 

- Thưa Bộ trưởng, cộng đồng mạng thời gian qua bàn tán khá nhiều về phản ứng chậm chạp của Bộ KH&CN với vấn đề thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 01 của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa. Quan điểm của Bộ về vấn đề này như thế nào?

Tôi thấy cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho công chúng. Việc đồng ý cho thử nghiệm hay không phụ thuộc vào hệ thống luật pháp, bất kỳ một phương tiện nào muốn lưu thông trên đường thủy, đường bộ, đường không đều phải được cơ quan đăng kiểm quốc gia cấp phép.

 

Vì sao Bộ KH&CN không cấp phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa?
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân

 

Để được cấp phép thì khi chế tạo phương tiện giao thông cơ giới phải đăng ký với cơ quan đăng kiểm để được kiểm tra từ khâu thiết kế đến công nghệ chế tạo. Cơ quan đăng kiểm sẽ thẩm định các khâu và cấp phép lưu hành khi đưa vào sử dụng.

Với trường hợp tàu ngầm Trường Sa 01, người dân tự phát làm. Chúng tôi hoan nghênh tinh thần đam mê nghiên cứu, sáng tạo của ông Hòa, nhưng có thể vì không nắm được quy định nên ông Hòa đã không phối hợp với cơ quan quản lý ngay từ đầu, vì vậy cơ quan đăng kiểm không thể cấp phép. Bộ KH&CN không có chức năng cấp phép cho phương tiện giao thông.

Còn với ý kiến cho rằng “tàu ngầm này không phải thiết bị quân sự tại sao lại giao trách nhiệm cho Bộ Quốc phòng”, cách hiểu này không đúng. Ở nước ta, các phương tiện bay và ngầm đều thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng vì liên quan đến an ninh quốc gia và chủ quyền.

Không ai được phép bay trên bầu trời hoặc lặn xuống biển mà không chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Cho nên việc thử nghiệm phải xin phép Bộ Quốc phòng.

Ngay việc thử nghiệm thành công, nếu phương tiện muốn lưu hành thì cũng phải được cơ quan đăng kiểm cấp phép. Nếu cơ quan đăng kiểm không được tham gia từ đầu thì làm sao cấp phép được.

- Nhưng thưa Bộ trưởng, trả lời báo chí gần đây, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Trường Sa 01 không phải là một con tàu quân sự nên việc thử nghiệm nên giao cho một cơ quan dân sự, có thể là Bộ KH&CN?

Việc thử nghiệm chắc chắn vẫn phải được phép của Bộ Quốc phòng, sau đó cơ quan dân sự có thể tổ chức thử nghiệm. Bộ KH&CN cũng có thể tham gia phần tổ chức liên quan đến công nghệ.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho quá trình thử nghiệm ngoài biển phải có hệ thống giám sát, hỗ trợ, ví dụ phải có tàu nổi, tàu lặn, thợ lặn, các phương tiện cứu hộ thường trực để đảm bảo khắc phục ngay sự cố. Việc này phải huy động nhiều người và phương tiện và chắc chắn khá tốn kém. Ngay cả khi doanh nghiệp bỏ ra toàn bộ kinh phí thì các cơ quan chức năng vẫn phải huy động một lực lượng tương đối đông đảo để đảm bảo an toàn.

- Về góc độ khoa học, công nghệ, Bộ KH&CN có hỗ trợ gì với ông Hòa trong quá trình thiết kế, chế tạo sản phẩm hay không, thưa Bộ trưởng?

Toàn bộ quá trình thiết kế, chế tạo ông Hòa không liên hệ nên không có nhà khoa học hoặc tổ chức KH&CN nào tham gia. Nếu có đề nghị của ông Hòa, chúng tôi sẵn sàng cử chuyên gia để cùng ông ấy thiết kế, đăng ký thủ tục cần thiết. Tuy nhiên giờ đã ở khâu thử nghiệm nên các chuyên gia chỉ có thể hỗ trợ quy trình thử nghiệm thôi.

Về việc thẩm định, cơ quan đăng kiểm phải có toàn bộ bản vẽ thiết kế, công nghệ chế tạo, phải có đầy đủ thông tin như thiết kế thế nào, chế tạo thế nào, thiết bị mua ở đâu, tính năng, thông số ra sao… thì mới đánh giá được chứ chỉ nhìn bề ngoài như thế không thể đánh giá và cấp phép lưu hành được.

Chúng tôi rất hoan nghênh ông Hòa vì ông ấy đã bỏ tiền, bỏ công sức ra để nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm. Mặc dù đây là việc thế giới đã làm cách đây hàng thế kỷ rồi, nhưng mọi nghiên cứu đều không phải là vô ích.

- Bộ KH&CN có nhận được đề nghị giúp đỡ chính thức từ phía ông Hòa hay không?

Bộ KH&CN chưa hề nhận được đề nghị nào trực tiếp từ ông Hòa, mà chỉ nhận được công văn của Sở KH&CN Thái Bình cho biết ông Hòa đề nghị tạo điều kiện để thử nghiệm, chứ trong quá trình chế tạo ông cũng không yêu cầu nên Sở KH&CN Thái Bình nhận được thông tin khá muộn.

Chúng tôi đã có văn bản gửi Sở KH&CN Thái Bình hướng dẫn ông Hòa về quy trình thủ tục để được hỗ trợ.

- Vậy trong trường hợp nhận được một lời đề nghị giúp đỡ chính thức từ ông Hòa về hỗ trợ thử nghiệm, Bộ KH & CN sẽ xử lý như thế nào?

Các Bộ liên quan sẽ phải trao đổi với nhau. Về nguyên tắc vẫn phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng và cơ quan quản lý địa phương nếu thử nghiệm ở ngoài biển, vì cần huy động lực lượng cứu hộ nên Bộ KH&CN không đủ thẩm quyền.

Về mặt kinh phí, nếu doanh nghiệp tự bỏ ra thì Nhà nước có thể hỗ trợ thủ tục tổ chức thử nghiệm. Nếu doanh nghiệp không có kinh phí, Bộ KH&CN có thể phối hợp đề nghị Nhà nước tài trợ từ nguồn ngân sách, và như thế sẽ cần có ý kiến của Bộ Tài chính. Khi thử nghiệm thành công rồi, nếu muốn đưa vào sử dụng cho các mục đích dân sự vẫn phải có cơ quan đăng kiểm cấp phép thì phương tiện mới được lưu hành.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Ngày 28/3/2014, tàu ngầm Trường Sa 01 của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã thử nghiệm ở hồ Tân Bình, khu công nghiệp Vĩnh Trà (Thái Bình). Sau đó ông Hòa có công văn xin phép thử nghiệm tàu ngầm tại khu vực biển ngoài phao số 0 cảng Diêm Điền, cách bờ biển Thái Bình khoảng 12 km, tuy nhiên chưa được đồng ý.

 

 


Ý kiến của bạn