Thỉnh thoảng tôi bị đau bụng vùng dạ dày, nghe nói là bị viêm mạn tính. Vì sao lại bị viêm dạ dày mạn tính, có chữa khỏi được không, thưa bác sĩ?
Hoàng Đình Quân (Ninh Bình)
Viêm dạ dày mạn tính là tổn thương có tính chất kéo dài và tiến triển chậm, có thể lan toả hay khu trú tại một vùng của dạ dày, dần dần dẫn tới teo niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân do ăn uống: nhai không kỹ, ăn không đúng giờ giấc, ăn nhiều gia vị chua, cay. Uống cà phê, nước chè đặc, uống rượu, hút thuốc lá… nhiễm khuẩn ở tai mũi họng, răng, dạ dày… Triệu chứng gồm: cảm giác nặng bụng, trướng bụng, ợ hơi, nhức đầu, cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn, nôn, chán ăn, đi ngoài táo lỏng thất thường. Nóng rát vùng thượng vị sau hoặc trong khi ăn, nhất là sau khi ăn uống bia, rượu, gia vị cay, chua… Đau vùng thượng vị, với cảm giác khó chịu, âm ỉ, tăng lên sau ăn. Biến chứng: ung thư dạ dày, xuất huyết tiêu hoá… Điều trị: nên ăn chậm, nhai kỹ, ăn những loại thức ăn dễ tiêu, nấu chín kỹ, đúng bữa, tránh loại thức ăn nhiều chất xơ, quá nóng, quá lạnh, cay, chua, mỡ rán, rượu, cà phê, thuốc lá. Thuốc điều trị: thuốc băng se niêm mạc, tiết chế tiết dịch, an thần, kháng sinh. Ăn uống hợp lý, chữa bệnh đúng, bệnh có thể khỏi hẳn. Bạn nên đi khám và điều trị ở khoa tiêu hóa bệnh viện.
BS. Bùi Thị Thu Hương