Hà Nội

Vì sao bị bướu nhân tuyến giáp? Chữa bướu nhân tuyến giáp ở đâu?

24-02-2023 08:58 | Y học 360
google news

SKĐS - Có rất nhiều cách để xác định có bị mắc bướu nhân tuyến giáp hay không. Nếu bị bướu nhân tuyến giáp nên khám tuyến giáp ở đâu?

Bài viết sử dụng thông tin tư vấn sức khỏe từ ThS.BS Hoàng Vũ - Bệnh viện Bạch Mai

Nguyên nhân gây bướu nhân tuyến giáp

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến bướu nhân tuyến giáp bao gồm:

- Sự phát triển quá mức của mô tuyến giáp bình thường hay còn gọi là u tuyến giáp. Chưa rõ nguyên nhân dẫn đến điều này. Tuy nhiên nó không phải là ung thư và không được coi là nghiêm trọng trừ khi nó gây ra các triệu chứng khó chịu do kích thước.

- Một số u tuyến giáp dẫn đến cường giáp.

- U nang tuyến giáp, là các u chứa đầy chất lỏng trong tuyến giáp. Thường là kết quả của sự thoái hóa u tuyến giáp. U nang thông thường gồm các thành phần rắn được trộn lẫn với chất lỏng. U nang thường không phải ung thư, nhưng đôi khi chúng chứa các thành phần rắn gây ung thư.

- Viêm tuyến giáp mãn tính: Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, một số rối loạn tuyến giáp có thể gây viêm tuyến giáp và dẫn đến các bướu nhân tuyến giáp sưng to. Điều này thường liên quan đến chứng suy giáp.

Vì sao bị bướu nhân tuyến giáp ? Chữa bướu nhân tuyến giáp ở đâu? - Ảnh 2.

Chỉ khoảng 1/20 các trường hợp bướu nhân tuyến giáp tuyến giáp là ung thư.

- Bướu nhiều mô. Thuật ngữ bướu cổ được sử dụng để mô tả bất kỳ sự phì đại nào của tuyến giáp, có thể do thiếu i-ốt hoặc rối loạn tuyến giáp. Bướu cổ đa nhân chứa nhiều nốt riêng biệt bên trong bướu cổ. Tuy nhiên nguyên nhân của bướu cổ đa nhân vẫn chưa rõ ràng.

- Ung thư tuyến giáp. Tỷ lệ bướu nhân tuyến giáp là ung thư khá thấp. Tuy nhiên, một bướu nhân tuyến giáp lớn và cứng hoặc gây đau hoặc khó chịu sẽ đáng lo ngại hơn. Lúc này, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp khi bạn mắc bướu nhân tuyến giáp. Chẳng hạn như tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến giáp hoặc nội tiết khác. Có tiền sử phơi nhiễm phóng xạ từ các phương pháp điều trị y tế hoặc từ bụi phóng xạ hạt nhân.

- Thiếu i-ốt. Thiếu i-ốt trong chế độ ăn uống đôi khi có thể khiến tuyến giáp của bạn phát triển các bướu nhân tuyến giáp.

Biểu hiện mắc bướu nhân tuyến giáp, làm sao để biết?

- Khám lâm sàng. Bác sĩ có thể tìm các dấu hiệu của suy giáp và cường giáp, hoặc yêu cầu người bệnh nuốt khi kiểm tra tuyến giáp.

- Siêu âm tuyến giáp. Siêu âm tuyến giáp là một phương pháp thăm dò hình ảnh. Phương pháp này ngày càng được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị bướu nhân tuyến giáp. Siêu âm tuyến giáp được chỉ định khi nghi ngờ có nhân tuyến giáp hoặc để tầm soát bướu tuyến giáp. Siêu âm tuyến giáp còn giúp tiên lượng được ung thư tuyến giáp.

Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: Phát hiện chính xác các nhân không khám thấy trên lâm sàng. Đồng thời đánh giá đầy đủ đặc điểm của nhân tuyến giáp về: số lượng, vị trí, kích thước, tính chất nhân giáp. Hơn nữa, siêu âm tuyến giáp còn có giá trị trong hỗ trợ chẩn đoán như: chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm và điều trị hút dịch, tiêm cồn, điều trị laser và theo dõi hiệu quả điều trị.

- Xét nghiệm sinh hóa máu. Phương pháp này được dùng để đo nồng độ các hormone FT3, FT4 và TSH của tuyến giáp. Đa số các trường hợp bướu nhân có xét nghiệm hormone bình thường. Trong trường hợp nồng độ hormone tăng hoặc giảm, người bệnh sẽ được bác sĩ đánh giá, chỉ định thêm các xét nghiệm để phát hiện các bệnh lý về tuyến giáp (có thể là cường giáp hoặc suy giáp).

- Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm. Phương pháp này là kỹ thuật đơn giản nhưng rất có giá trị vì nó có thể cung cấp các thông tin trực tiếp và đặc hiệu về một nhân tuyến giáp. Phương pháp này thường được thực hiện tại phòng thủ thuật, mất khoảng 20 phút và có ít rủi ro. Kết quả chọc hút tế bào tuyến giáp có thể có 4 dạng: ác tính, lành tính, nghi ngờ, không xác định.

Vì sao bị bướu nhân tuyến giáp ? Chữa bướu nhân tuyến giáp ở đâu? - Ảnh 3.

Siêu âm tuyến giáp còn giúp tiên lượng được ung thư tuyến giáp.

Các phương pháp điều trị bướu nhân tuyến giáp

Phụ thuộc vào kết quả tế bào học tế bào nhân giáp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị bướu nhân tuyến giáp hiện nay bao gồm:

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa bằng thyroxin (Levothyrox 50mcg, 100mcg) còn nhiều tranh cãi vì đáp ứng thấp. Phương pháp này thường chỉ định cho các bệnh nhân ở vùng thiếu i-ốt, bệnh nhân có nhân giáp nhỏ, bướu giáp keo và chắc chắn loại trừ khả năng ác tính.

Điều trị nội khoa bằng thyroxin thường ít áp dụng do hiệu quả không cao và có nhiều nguy cơ như gây tổn thương tim, giảm mật độ xương.

Phẫu thuật lấy nhân giáp

Phương pháp này được chỉ định khi bướu nhân ung thư hoặc nghi ngờ ung thư trên lâm sàng. Ngoài ra còn được chỉ định khi kết quả tế bào học hoặc khi bướu giáp quá to gây chèn ép (>4cm).

Ưu điểm của phương pháp này là lấy được hết bướu nhân, xác định được mô bệnh học.

Nhược điểm là có thể gặp những biến chứng như tổn thương thần kinh quặt ngược, suy giáp…

Điều trị bằng i-ốt phóng xạ

Đây là phương pháp dành cho những bệnh nhân có bướu nhân hoạt động, kèm hoặc không kèm theo cường giáp. Điều trị bằng i-ốt phóng xạ chống chỉ định ở bệnh nhân là phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Lưu ý, với các bướu nhân giáp lành tính, không gây chèn ép, không cần điều trị cần theo dõi định kỳ 6 tháng/lần. Kết hợp kiểm tra siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm FT4, TSH và xét chọc tế bào tuyến giáp nếu cần. Sau điều trị phẫu thuật hoặc xạ trị hoặc tiêm cồn bệnh nhân cần theo dõi tình trạng tái phát nhân tuyến giáp và đánh giá tình trạng suy giáp để điều trị kịp thời.

Địa chỉ khám tuyến giáp, chữa bướu nhân tuyến giáp uy tín

Nếu bạn nghi ngờ mình có vấn đề về tuyến giáp, hãy đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết để được các bác sĩ thăm khám và điều trị. Hiện nay, các bệnh viện đều có chuyên khoa để thăm khám về bệnh tuyến giáp.

- Bệnh viện Nội tiết Trung ương là cơ sở đầu ngành về khám và điều trị các bệnh về nội tiết và rối loạn chuyển hóa trong đó có các bệnh về tuyến giáp.

- Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối với đội ngũ bác sĩ nội tiết giỏi và cơ sở vật chất y tế hiện đại. Khoa Phẫu thuật Lồng ngực của bệnh viện có khám, điều trị và phẫu thuật các bệnh lý thuộc chuyên ngành lồng ngực, tuyến vú, tuyến giáp, ghép tạng, mạch máu...

- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Phòng khám số 1). Đây là địa chỉ phù hợp với những bệnh nhân muốn đến khám và điều trị bệnh tuyến giáp mà không cần phải điều trị nội trú.

Xem thêm video được quan tâm:

3 Công Viên Lớn Ở Hà Nội Thí Điểm Mở Cửa, Không Hàng Rào, Không Bán Vé Ra Vào - SKĐS


ThS.BS Hoàng Vũ
Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn