Vì sao bệnh viện hạng đặc biệt xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện?

25-08-2022 13:53 | Y tế

SKĐS - Sau hơn 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị Quyết 33 của Chính phủ, Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng và chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60. Vì sao bệnh viện hạng đặc biệt này xin dừng tự chủ toàn diện? Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời...

Giám đốc Bệnh viện K: ‘2 năm tự chủ toàn diện, chúng tôi không đầu tư được trang thiết bị mới nào’ Giám đốc Bệnh viện K: ‘2 năm tự chủ toàn diện, chúng tôi không đầu tư được trang thiết bị mới nào’

SKĐS - Trong 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được trang thiết bị mới nào. Một trong những thách thức để thực hiện tự chủ toàn diện đó là tính phí dịch vụ y tế chưa đủ… Do đó, Bệnh viện K đã xin thay đổi mô hình tự chủ toàn diện sang thực hiện theo Nghị định 60.

Bạch Mai là một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, y bác sĩ ở đây được đánh giá có chuyên môn cao đầu ngành, nhiều chuyên khoa đã gắn với thương hiệu Bạch Mai như "A9 Bạch Mai", "Hồi sức Bạch Mai", "Tim mạch Bạch Mai"... Đây cũng là một trong 4 bệnh viện được thí điểm tự chủ toàn diện từ đầu năm 2020 theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm mới đây Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng thực hiện.

Nhiều cái khó khi triển khai tự chủ toàn diện

Tại buổi làm việc của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với Bệnh viện Bạch Mai sáng 18/8, TS Dương Đức Hùng- Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Qua thời gian thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện theo Nghị định 60 (theo nhóm 2) - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên để "phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai".

Vì sao bệnh viện hạng đặc biệt xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện?   - Ảnh 2.

Sau hơn 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị Quyết 33 của Chính phủ, Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng và chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60

Theo TS Dương Đức Hùng một trong những lý do Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ.

"Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, nhưng bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa"- TS.BS Dương Đức Hùng nói.

Làm rõ thêm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ thông tin, Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành đề án tự chủ vào tháng 3/2022, sau 2 năm triển khai. Bệnh viện cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho dừng thí điểm tự chủ vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Bệnh viện đề nghị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

"Nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Thời điểm thực hiện tự chủ đúng vào lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, bệnh viện bị phong tỏa, các hoạt động bị đóng băng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân dịch bệnh khiến cho mọi hoạt động bị đình trệ, chủ yếu tập trung chống dịch, nguồn thu sụt giảm 50%..."- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

Về tự chủ tài chính, ông Cơ cho biết thêm, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm…

Thêm vào đó, bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế nhưng mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời, (mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí) dẫn đến thu không đủ bù chi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là không còn nguồn thu từ trang thiết bị, máy y tế xã hội hóa…

Thu nhập thấp, bác sĩ phải chạy thêm grap, điều dưỡng phải bán hàng online 

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 năm qua đã có 221 cán bộ y tế, người lao động thôi việc, trong đó 113 người do kiện toàn, tinh gọn; 28 bác sĩ chuyển công tác, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học. Trong số bác sĩ chuyển sang nơi khác có những người nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như: Trưởng khoa dược, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, trưởng khoa thăm dò chức năng và phó trưởng phòng tổ chức cán bộ. Lý do khiến họ chuyển việc, thôi việc là do áp lực công việc cao trong khi thu nhập không tương xứng...

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng làm rõ thêm, do đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nguồn thu của Bệnh viện (giảm khoảng 4.000 tỷ trong 2 năm 2020-2021 so với năm 2019) và bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Bên cạnh đó, do nguồn thu giảm nên đã ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động.

"Đời sống của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai trong 2 năm qua khá vất vả, có những người chỉ thu nhập 5 triệu, có những điều dưỡng phải bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống, nhiều bác sĩ phải chạy grap buổi tối"- bà Đoàn Thu Trà- Chủ tịch Công đoàn của Bệnh viện này thông tin.

Vì sao bệnh viện hạng đặc biệt xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện?   - Ảnh 3.

Bà Đoàn Thu Trà - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Đời sống của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai trong 2 năm qua khá vất vả Ảnh: Trần Minh

Cũng theo bà Trà, nhiều tháng nay y bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai phải đi làm từ 5-6h sáng để kịp thăm khám cho người bệnh. Thế nhưng cả đêm trực chỉ có thù lao 115.000 đồng, rất vất vả, áp lực không chỉ về chăm sóc người bệnh mà còn bị cả áp lực bạo hành từ người nhà người bệnh. Nhiều y bác sĩ làm việc và trực 24/24h, sáng hôm sau vẫn sẵn sàng đi chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới.

"Thay mặt cho hơn 4.000 nhân viên y tế và công đoàn ngành, chúng tôi mong có quyết sách mới làm sao thu đúng, đủ, để nhân viên y tế có hệ số lương phù hợp, đời sống ổn định để yên tâm làm việc, không có sự di chuyển công việc"- bà Đoàn Thu Trà nói.

Do đó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. "Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo"- ông Cơ nói.

Về vấn đề tự chủ toàn diện của các bệnh viện, Quyền Bộ Trưởng Đào Hồng Lan thông tin, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và đã có 2 năm thực hiện.

"Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, chúng ta muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ Y tế đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính Phủ. Chúng tôi đang giao Vụ Kế hoạch - Tài chính làm việc với 2 đơn vị đang thực hiện tự chủ của Bộ để đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính Phủ"- Quyền Bộ Trưởng nói.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng, các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính, vì vậy cũng như BV K, BV Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào.

"Từ đó, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này - cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn"- Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Mời bạn đọc xem tiếp bài 3: Lý do khiến các bệnh viện không thành công khi thực hiện tự chủ toàn diện

4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện

SKĐS - Theo Nghị quyết vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua, các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K được thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện

Thái Bình
Ý kiến của bạn