Các bệnh tim mạch mùa lạnh thường gặp là tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim... Nguy cơ mắc các bệnh này sẽ cao hơn ở người cao tuổi hoặc có các bệnh lý nền. Nhiều người thường thắc mắc tại sao mùa lạnh dễ mắc bệnh tim mạch và cách phòng thế nào?
Các biến cố tim mạch sẽ gia tăng vào mùa lạnh
Trên thực tế, mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao hơn so với mùa hè khoảng 5mmHg. Sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thêm vào đó, thời tiết lạnh cũng làm cơ thể có phản xạ tăng tiết catecholamine làm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi đó sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến tăng huyết áp và làm người bệnh dễ bị: chảy máu trong não gây nên xuất huyết não và đặc biệt hay xảy ra ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu dễ dẫn đến hiện tượng máu vón cục thành cục máu đông làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
Ngoài ra, khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên; đặc biệt huyết áp có thể tăng khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi tắm khuya…, Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại.
Khi trời lạnh, nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn, vì vậy cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp.
Với những người bị bệnh đái tháo đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.
Mùa lạnh cần làm gì để phòng tránh bệnh tim mạch?
Phòng tránh bệnh tim mạch khi thời tiết lạnh cần thực hiện một số lưu ý sau:
- Không tập thể dục vào lúc sáng sớm, nhất là đối với người cao tuổi.
Dù có đi ra ngoài hay ở trong nhà thì cũng nên mặc đủ ấm trong thời tiết lạnh, nhất là ở người lớn tuổi, cần phải được chú trọng hơn. Bởi vì khối cơ và lượng mỡ ở người cao tuổi thấp hơn so với người trẻ tuổi. Khi đó, chức năng bảo vệ các cơ quan quan trọng của cơ thể bị giảm đi, dễ bị hạ thân nhiệt trong thời tiết lạnh.
Bên cạnh việc mặc đủ ấm, cần sử dụng khăn quàng, mũ len và khẩu trang khi đi ra ngoài trời lạnh để tránh tiếp xúc hơi khí lạnh gây co mạch máu ở đầu, mặt, cổ ảnh hưởng đến tim mạch.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tránh mất nước, cần bù đủ nước hàng ngày và nên uống nước ấm. Có thể uống 5 - 10 ly nước ấm chia nhiều lần trong ngày. Tránh đợi đến lúc thấy khát mới uống.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường rau xanh, trái cây. Nên ăn nhạt dưới 5g muối 1 ngày. Đặc biệt, không nên uống cà phê hay hút thuốc trong vòng 1 giờ trước khi làm việc nặng vì chúng làm tăng nhịp tim.
- Duy trì hoạt động thể chất đều đặn
Vào thời tiết lạnh, không nên có nhiều hoạt động thể lực ngoài trời. Tuy nhiên vẫn có thể duy trì hoạt động thể lực bằng cách đi bộ khoảng 30 phút/ngày, tốt nhất là trong nhà kín gió. Nên tập luyện đều đặn 5 ngày 1 tuần nếu được.
- Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính phải uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, nhất là trường hợp bị tăng huyết áp. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và có theo dõi của nhân viên y tế.
Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết lạnh để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Cần phải lắng nghe cơ thể chính mình và chủ động phát hiện hiện những dấu hiệu đầu tiên của một biến cố tim mạch như mệt, chóng mặt, đau ngực, hồi hộp và khó thở. Khi có các dấu chứng nghi ngờ, phải thông báo ngay cho người thân và bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời.
Tóm lại: Bệnh tim mạch thường gia tăng khi trời lạnh và gây nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh. Người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, bệnh tim mạch) nên ngưng hút thuốc lá, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ.
Việc ghi nhớ những lưu ý đối với người bệnh tim mạch khi trời lạnh là quan trọng cần thiết giúp đối phó bệnh hiệu quả.
Các biến cố tim mạch sẽ gia tăng ở nhóm người có nguy cơ cao như:
+ Người cao tuổi.
+ Người có bệnh nền như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường type 2...
+ Người có tiền căn thiếu máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn chuyển hóa, rối loạn mỡ máu...