Vì sao bệnh nhân sau cấy ghép gan dễ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc?

26-10-2021 14:25 | Thông tin dược học

SKĐS - Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra bí ẩn đằng sau việc những người ghép gan dễ có nguy cơ nhiễm chủng tụ cầu vàng kháng kháng sinh methicillin (MRSA). Mới đây, các nhà khoa học người Trung Quốc và Hoa Kỳ đã phát hiện ra cơ chế giải thích cho hiện tượng này.

11 điều cần lưu ý sau phẫu thuật ghép gan11 điều cần lưu ý sau phẫu thuật ghép gan

SKĐS - Số lượng bệnh nhân được ghép gan tại Việt Nam ngày càng tăng, vì vậy, việc điều trị, theo dõi sau ghép vô cùng quan trọng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống của tạng ghép.

Tụ cầu vàng kháng methicillin, mối đe dọa kháng thuốc lớn nhất thế giới

Những bệnh nhân trải qua cấy ghép nội tạng đều phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn sự thải loại mảnh ghép, việc này khiến họ dễ có nguy cơ nhiễm trùng hơn người bình thường. Tuy nhiên, nó không giải thích đầy đủ về tính nhạy cảm trên toàn thế giới của bệnh nhân ghép gan đối với nhiễm trùng MRSA.

MRSA là một trong những mối đe dọa kháng thuốc lớn nhất thế giới, là chủng vi khuẩn có khả năng vô hiệu hóa nhiều loại kháng sinh đang dùng hiện nay. Ngoài ra, MRSA (chủng Staphylococcus aureus kháng methicillin) cũng là một tác nhân đáng chú ý trong các nhiễm trùng bệnh viện, thường gây nhiễm khuẩn nặng, đe dọa đến tính mạng của nhiều bệnh nhân điều trị nội trú.

Vì sao bệnh nhân sau cấy ghép gan dễ nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin? - Ảnh 2.

Bệnh nhân sau cấy ghép gan dễ nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 23% bệnh nhân ghép gan nhiễm trùng MRSA, và trong số những bệnh nhân này, ước tính có khoảng 21% tử vong trong vòng 30 ngày sau khi cấy ghép. 

Tìm ra gen khiến người ghép gan dễ nhiễm MRSA?

Bệnh nhân được cấy ghép nội tạng phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn sự đào thải và các phương pháp điều trị cũng khiến họ dễ bị nhiễm trùng.

TS. Hao Li, Khoa phẫu thuật tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Thượng Hải và một nhóm các nhà khoa học Hoa Kỳ cho biết: Vấn đề không nằm ở chỗ sai sót về mặt sinh học của những người được cấy ghép mà là ở gan khỏe mạnh từ những người hiến tặng. Một số cơ quan hiến tặng luôn có ít biểu hiện gen dẫn đến việc sản xuất một loại protein cụ thể. Sự có mặt của loại protein này đã giải thích cho sự gia tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng MRSA sau khi cấy ghép.

Theo đó, khuynh hướng di truyền ít biểu hiện đối với kiểu gen Pannexin -1 ở gan người hiến tặng có liên quan đến nhiễm trùng MRSA ở những người được nhận ghép. Gen Pannexin-1 (PANX1) có vai trò quan trọng trong việc sản xuất protein kênh PANX1, một loại protein màng tích hợp hiện diện phổ biến trong nhiều mô ở động vật có vú. 

Nghiên cứu tại Đại học Western Ontario cho thấy, mặc dù PANX1 chủ yếu tham gia vào việc giải phóng năng lượng cho các mô dưới dạng adenosine triphophate (ATP), nhưng nó còn có nhiều vai trò khác như giải phóng các tín hiệu "nhận diện" để khởi động quá trình chết tế bào theo chương trình.

Ngoài ra, các chức năng đa dạng của PANX1, kênh protein có liên quan đến sự lan truyền của sóng canxi trong việc điều hòa trương lực mạch máu cũng như tham gia vào quá trình thanh thải chất nhầy ra khỏi phổi. Bên cạnh đó, protein này còn đóng vai trò quan trọng trong chức năng vị giác và là chất ức chế khối u trong bệnh ung thư não mang tên u thần kinh đệm.

Tuy vậy, kênh PANX1 cũng có khả năng gây hại đối với cơ thể do góp phần vào sự chết đi của tế bào và gây co giật trong điều kiện thiếu máu cục bộ, động kinh hay thậm chí tạo điều kiện cho virus HIV-1 lây nhiễm.

Nghiên cứu cho thấy, các bệnh nhân được nhận gan mang hoạt tính gen PANX1 biểu hiện thấp có nguy cơ nhiễm trùng MRSA cao hơn. Điều này sẽ giúp cho các nhà khoa học dễ dàng tìm kiếm phương pháp làm hạn chế nguy cơ nhiễm MRSA ở người ghép gan cũng như giảm nguy cơ tử vong ở nhóm người này.

Xem thêm video đang được quan tâm:

6 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19



DS. Phạm Quỳnh Như
Ý kiến của bạn