PV: Thưa ông, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ đầu năm diễn biến phức tạp, nguyên nhân do đâu?
TS Mai Văn Mười: Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Nam, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 1 người tử vong do mắc bệnh dại. 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Quảng Nam có 5.083 người bị động vật nghi dại (chủ yếu là chó, mèo cắn, cào) đến các cơ sở Y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 667 trường hợp chó, mèo có biểu hiện bệnh, lên cơn dại hoặc chạy mất tích sau khi cắn người.
Dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang diễn biến phức tạp và gia tăng đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu là do: virus dại lưu hành rộng rãi ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, hầu hết chó chưa được tiêm phòng, lên cơn cắn người sau đó bị chết được lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm đều dương tính với virus dại.
Chính quyền địa phương ở tuyến huyện, xã chưa quan tâm trong công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh dại: tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh còn quá thấp, chỉ đạt 32,51%, công tác thống kê, quản lý đàn chó, mèo nuôi chưa tốt; không thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo nuôi theo quy định.
Chủ vật nuôi không thực hiện kê khai chăn nuôi, không xích, nhốt giữ chó trong khuôn viên gia đình, không đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng, vẫn còn tình trạng đem chôn hoặc vứt xác chó, mèo chết ra môi trường, không thông báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để kiểm tra.
PV: Sở Y tế Quảng Nam đã triển khai phòng chống dịch ra sao, thưa ông?
TS Mai Văn Mười: Trước tình hình dịch bệnh dại trên động vật diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế, trạm Y tế bám sát tình hình thực tế để phối hợp với ngành thú y triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh dại, cụ thể: Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống dịch bệnh và nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng.
Rà soát số lượng vaccine, cung cấp đầy đủ đến các "điểm nóng" về bệnh dại, tuyệt đối không được để sót người không được tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm. Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng vaccine dại phải báo cáo ngay cho Trung tâm Y tế tuyến huyện nơi cơ sở đóng chân thông tin người bị chó, mèo cào, cắn để chia sẻ thông tin với ngành thú y cùng cấp triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại theo đúng tinh thân Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi đã mắc bệnh thì không có thuốc chữa và tỷ lệ tử vong là 100%. Để phòng bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt 5 không: "không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại", "không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương", "không nuôi chó thả rông", "không để chó cắn người", "không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường"; khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở cần xối rửa kỹ tất cả các vết cắn,cào trong 15 phút càng sớm càng tốt dưới vòi nước chảy với xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.
Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Ngoài ra không làm dập nát thêm vết thương, tránh khâu kín ngay vết thương; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại.