Vì sao bé bụ bẫm vẫn bị còi xương?

31-07-2020 09:08 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Con tôi 10 tháng, nặng 12 cân, bụ bẫm nhưng chưa đi được. Gần đây, cháu sốt, ho, đi khám bác sĩ bảo cháu có thể bị còi xương. Con bụ bẫm, tăng cân đều mà lại bị còi xương, vì sao?

Nguyễn Thị Hương (Hải Phòng)

Bé nhà bạn lên cân đều, bụ bẫm vẫn có thể bị còi xương. Điều này có thể hiểu như sau: còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hoặc do rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể khiến xương của bé chậm phát triển hơn so với bình thường. Trẻ còi xương thể bụ, mặc dù nhìn bề ngoài cân nặng của con có vẻ dư thừa, bé bụ bẫm nhưng lại bị thiếu hụt vitamin D, canxi. Điều này có thể do chế độ dinh dưỡng của bé không đủ chất, đặc biệt là vitamin D, canxi... Ngoài ra, những trẻ dư cân có nhu cầu canxi, phospho, vitamin D thường cao hơn so với trẻ bình thường vì lúc này để chống đỡ cơ thể mập mạp của con thì bộ xương của bé cần được bổ sung phù hợp. Nếu không bổ sung hợp lý, số cân nặng dư thừa sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ xương non nớt của trẻ. Bên cạnh đó, chế độ ăn không cân đối (quá mặn hay quá nhiều chất đạm làm đào thải vitamin D qua nước tiểu), trẻ không được bú mẹ đầy đủ cũng dễ bị còi xương. Những trẻ ăn dặm quá sớm, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng cũng gây tình trạng loạn chuyển hóa, ức chế hấp thu canxi làm cho tình trạng thiếu canxi trở nên trầm trọng hơn. Trẻ còi xương thể bụ nếu không được điều trị kịp thời dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng. Đồng thời, lâu dài dẫn đến các bệnh cơ xương khớp, thoái hóa khớp, gù vẹo cột sống, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến việc sinh đẻ sau này đối với bé gái do bị hẹp khung chậu. Vì vậy, bạn nên cho con đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để xin tư vấn của bác sĩ.


BS. Bội Hoàn
Ý kiến của bạn