Vì sao bà lão nhặt ve chai quyết tâm lấy bằng đại học?

11-06-2015 10:36 | Tin nóng y tế
google news

Bà Hoa muốn có bằng Luật để giúp những hộ nghèo không có tiền mà phải va chạm đến pháp lý…

Một bà lão gần 60 tuổi có hoàn cảnh sống khó khăn, phải đi nhặt ve chai, mua trái cây bán lề đường nhưng vừa tốt nghiệp đại học Luật. Đó là tấm gương hiếu học của bà Phạm Thị Kim Hoa, 57 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) rất đang trân trọng và biểu dương.

Bà Hoa hằng ngày vẫn đi nhặt ve chai kiếm sống.

Đến chợ Hòa Đồng thuộc trị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) hỏi bà lão nhặt ve chai bán chuối lề đường có bằng đại học thì ai cũng biết. Bởi từ lâu, bà Phạm Thị Kim Hoa đã gắn bó với ngôi chợ này để mưu sinh và vừa nhận được bằng Tốt nghiệp đại học Luật do Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ cấp.

Bà Hoa chia sẻ: từ nhỏ bà rất ham học nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ học hết lớp 9 thì phải rời nghế nhà trường để lo chuyện mưu sinh. Sau đó bà được địa phương đưa đi đào tạo giáo viên mẫu giáo hệ 9 1; đồng thời bà tranh thủ học bổ túc để cùng một lúc lấy được tấm bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học và Trung học sư phạm loại giỏi.

Khi lấy chồng, bà cũng không thoát khỏi cảnh túng quẫn do ruộng đất ít, con đông. Hằng ngày bà phải lam lũ, mua chuối xanh ngồi ngay gốc Chợ Hòa Đồng để bán kiếm lời. Trưa tan chợ, bà chịu khó đi thu nhặt những túi ni- lông, chai nước, giấy vụn... mà khách hàng vứt bỏ mang về nhà để bán cho vựa ve chai kiếm thêm nguồn thu nhập ít ỏi. Riêng chồng bà- ông Nguyễn Văn Sơn thì chăm lo đàn vịt lấy trứng và làm 2 công ruộng. Trong cuộc mưu sinh, bà Phạm Thị Kim Hoa chứng kiến biết bao cảnh đau lòng, thua thiệt của người dân do thiếu hiểu biết về kiến phức pháp luật. Do đó, dù tuổi cao, hoàn cảnh khó khăn nhưng bà quyết chí phải học để có kiến thức cho bản thân vừa giúp ích cho xã hội. Năm 2011, sau khi thuyết phục được gia đình, bà đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên đăng ký học lớp “Đại học Luật đào tạo từ xa” do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức tại Tiền Giang… Ở lớp học này từ cán bộ, giáo viên đến học viên ai cũng ngỡ ngàng vì có một học sinh “cá biệt”, tuổi cao, sức khỏe hạn chế, e ngại sẽ không theo đuổi đến cuối khóa học. Vì mọi người đều nghĩ rằng bà Hoa có học cũng sẽ rất lãng phí vì tuổi đã cao...

Vào thời điểm lớp học tập trung, từ khuya bà Kim Hoa phải thức dậy chở chuối ra chợ Hòa Đồng và nhờ “bạn hàng” thân cận bán hộ. Còn một mình bà chạy xe gắn máy gần 30 km từ nhà đến thành phố Mỹ Tho để kịp giờ vào học. Do nghèo khó nên có lúc người phụ nữ này phải nhịn ăn sáng đi học và chịu khó mượn tài liệu, sách... từ các học viên khác phô tô lại để tiết kiệm chi phí. Ngoài thời gian tập trung học, bà lại bắt tay vào việc mua bán chuối và nhặt ve chai để có tiền trang trải. Như con ong cần mẫn, dù rất vất vả và thiếu thốn nhưng người phụ nữ này đã cố gắng vượt qua, quyết tâm lấy được bằng đại học.

Ở tuổi gần 60 nhưng nhờ có trí nhớ tốt và chăm chỉ nghe giảng nên những lời giảng của giảng viên bà Hoa đều nhớ rõ và am hiểu tận tường. Hàng ngày khi ở chợ bà đều đem theo tài liệu, sách vở để nghiên cứu, soạn bài... Riêng 2 môn học ngoại ngữ và tin học thì bà nhờ các con đang học phổ thông hướng dẫn lại. Học Ngành Luật đòi hỏi phải hiểu, thuộc bài và cần đủ có tài liệu tham khảo nhưng với quyết tâm cao, học viên cao tuổi Kim Hoa cũng vượt qua tất cả các kỳ thi.

Ngày 10/5 vừa qua, bà Phạm Thị Kim Hoa đã vinh dự được nhận bằng Tốt nghiệp cử nhân Luật trong sự xúc động và ngỡ ngàng của nhiều người. Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Gò Công Tây, cho đây là tấm gương hiếu học chưa từng có ở địa phương.

“Cô Hoa là tấm gương điển hình, rất khó để tìm kiếm được. Bản thân cô Hoa và gia đình khó khăn, đã khắc phục học tập đeo đuổi theo nguyện vọng của mình. Có thể nói rằng trong huyện ít có trường hợp nào điển hình như cô, kể cả học sinh, sinh viên, có điều kiện. Huyện đã có đề xuất khen thưởng cho cô Hoa” – ông Bảy cho biết thêm.

Bà Hoa trong lễ tốt nghiệp

Về phần mình, bà Phạm Thị Kim Hoa, chia sẻ: “Tôi muốn học trước nhất là có sự hiểu biết cho bản thân. Cái thứ hai là mình có thể giúp được cho những hộ nghèo không có tiền mà phải va chạm những trường hợp nào đó mà khi cần nhờ đến pháp lý mà người ta không có khả năng. Tôi cũng luôn ghi nhớ lời Bác Hồ nói về sự học và vì sự cố gắng của Bác mới đem lại độc lập cho đất nước. Bác Hồ đã để lại tấm gương mà tôi muốn mình phải là một trong số người con cháu đã noi theo Bác Hồ. Tôi muốn con tôi sẽ noi theo gương đó để sau này có đủ cái “tâm, trí, tài” để phục vụ cho đất nước”.

Không chỉ hiếu học, bà Phạm Thị Kim Hoa còn là người phụ nữ luôn vượt khó, vươn lên vượt qua số phận; chịu khó lao động bằng đôi tay cần mẫn để nuôi 4 con ăn học. Hiện nay, các con của bà có một người là sinh viên Trường Cao đẳng Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), 3 người khác đang học phổ thông. Bà cho biết, dù nghèo khó nhưng phải cho các con ăn học, thành tài.

Nhận xét về tấm gương vượt khó của bà Phạm Thị Kim Hoa, bà Bùi Thị Thành, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Gò Công Tây nói: “Hội rất trân trọng người cao tuổi vượt khó học tập. Đối tượng này Hội sẽ giới thiệu và phát huy trong Hội để làm gương phấn đấu học tập trong hội viên”.

Nhờ có kiến thức pháp luật đã được học, thời gian qua bà Phạm Thị Kim Hoa đã tận tình tư vấn pháp lý, hỗ trợ miễn phí cho nhiều người dân nghèo trong việc khiếu nại, đòi sự công bằng và quyền lợi chính đáng. Bản thân bà đã nhận ủy quyền giúp 3 người dân khởi kiện ra Tòa án để đòi được công lý. Bà cho biết, bản thân rất tâm tư khi chứng kiến nhiều trẻ em bỏ học giữa chừng, những bậc phụ huynh không quan tâm việc học của con em. Theo bà, xã hội ngày càng phát triển thi việc học tập phải thường xuyên và không ngừng, học để có ích cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng đất nước./.

 


Ý kiến của bạn