1. Vì sao không tìm tinh tử để nuôi cấy thành tinh trùng mà mổ microTESE tìm tinh trùng trưởng thành chi cho rắc rối?
Nuôi tinh tử trong ống nghiệm để thành tinh trùng đã được vài nhà nghiên cứu như Tesarik, Cremades, Tanaka công bố từ 1999. Tới năm 2000, Tesarik thậm chí còn công bố đã có 2 em bé sinh đôi ra đời với tinh trùng đặc biệt này. Năm 2004, cũng chính Tesarik công bố thêm 1 em bé ra đời với tinh trùng trưởng thành trong ống nghiệm. Thế là hết. Chỉ có mỗi Tesarik là công bố có 3 em bé ra đời, và từ đó đến giờ ông cũng chẳng có thêm em bé nào ra đời với tinh trùng trưởng thành trong ống nghiệm. 3 em bé đó có khỏe mạnh không, không ai rõ. Vì vậy, nuôi tinh tử thành tinh trùng mới là chuyện rắc rối, chuyện hãn hữu, không được chính phủ nhiều nước cho phép tiến hành trên người.
2. Yếu tố nào là yếu tố tiên lượng quan trọng nhất về khả năng tìm thấy tinh trùng trong microTESE?
- Giải phẫu bệnh mô tinh hoàn: sinh tinh rất kém có khả năng tìm thấy tinh trùng xấp xỉ 100%. Hội chứng toàn tế bào Sertoli có khả năng tìm thấy tinh trùng trong 50% trường hợp. Sinh tinh nửa chừng chỉ có 20-30% khả năng tìm thấy tinh trùng.
- Chủ quan: kinh nghiệm của phẫu thuật viên mổ microTESE và kỹ thuật viên phòng tinh trùng.
3. Thể tích tinh hoàn và FSH có phải là những yếu tố tiên lượng khả năng tìm thấy tinh trùng của microTESE?
FSH và thể tích tinh hoàn không phải là những yếu tố tiên lượng khả năng tìm thấy tinh trùng. Tuy nhiên, nếu tinh hoàn quá nhỏ (<3cc) thì khả năng tìm thấy tinh trùng là 0, nên không có chỉ định microTESE.
4. Các biến chứng của microTESE
- Giảm testosterone, teo tinh hoàn: Theo Komori, 2004, thì biến chứng này không xảy ra vì microTESE bảo tồn các mạch máu của tinh hoàn, lấy rất ít mô tinh hoàn, nên không gây teo tinh hoàn.
- Chảy máu, nhiễm trùng vết mổ: không ghi nhận.
5. Có thể thực hiện microTESE bao nhiêu lần cho cùng 1 bệnh nhân?
Điều này tùy thuộc mô học mô tinh hoàn và đánh giá của phẫu thuật viên. Trong đa số trường hợp microTESE chỉ thực hiện được 1 lần.