Hà Nội

Vi phẫu cột sống cổ trên bệnh nhân mắc cùng lúc 4 bệnh mạn tính

15-11-2018 16:05 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Một bệnh nhân nam 72 tuổi mắc bệnh ngặt nghèo vừa được phẫu thuật cột sống cổ và can thiệp mạch vành kịp thời. Bệnh nhân bị yếu tứ chi diễn tiến nhanh kèm nguy cơ đột tử do suy hô hấp, chèn ép tủy cổ nặng bởi bệnh lý đĩa đệm trên kèm nhiều bệnh lý nội khoa gồm: đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý cơ tim thiếu máu cục bộ, rối loạn mỡ máu.

Ngày 15/10/2018, bệnh nhân (sinh năm 1946, ngụ ở TP.HCM) nhập viện trong tình trạng yếu tứ chi nặng diễn tiến nhanh. Bệnh nhân không thể tự đi lại do mất khả dụng cơ tứ chi kèm tê nhiều và vụng về cử động đôi bàn tay. Thăm khám lâm sàng, bệnh nhân bị giảm nhiều sức cơ tứ chi, kèm hội chứng tháp, tăng phản xạ chi dưới. MRI cột sống cổ có chèn ép tủy nặng do hẹp trầm trọng ống sống cổ C3-C4, C4-C5, C5-C6. Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh, bệnh nhân nên được phẫu thuật giải áp tủy sống cổ sớm nhất có thể nhằm tránh rủi ro diễn tiến đến tình trạng liệt tứ chi và ngưng thở do tổn thương tủy cổ trên C5 nếu như tình cờ xảy ra một sang chấn nhẹ vùng cổ.

Bệnh nhân bị tình trạng thoát vị đĩa đệm đã 6 năm nay và được các bác sĩ khuyên nên phẫu thuật để tránh biến chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân còn nhiều bệnh lý khác, đặc biệt bệnh mạch vành, nên lo lắng nếu mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hai tuần gần đây khi thấy chân yếu rõ, không thể đi lại được nên gia đình quyết định đưa bệnh nhân nhập viện phẫu thuật.

Do bệnh nhân lớn tuổi, trên 65 tuổi, nhiều bệnh lý đi kèm, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý mạch vành điều trị không liên tục; bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao xảy ra các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu não cấp và các biến cố khác trong và sau phẫu thuật.

Vi phẫu cột sống cổ  trên bệnh nhân mắc cùng lúc 4 bệnh mạn tínhBệnh nhân đã được các bác sĩ theo dõi sát vì mắc cùng lúc nhiều bệnh mạn tính

Một phương án được đề nghị là có thể tiến hành chụp mạch vành và can thiệp trước khi phẫu thuật điều trị bệnh lý tủy cổ. Tuy nhiên nếu như bệnh lý mạch vành nặng cần thiết phải can thiệp đặt stent, bệnh nhân sẽ phải trì hoãn phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống cổ ít nhất 2 tuần sau khi can thiệp mạch vành. Đứng trước nguy cơ liệt tứ chi và đột tử vì suy hô hấp cấp do chèn ép tủy cổ, bệnh nhân và thân nhân đã quyết định chọn phương án phẫu thuật cột sống cổ trước.

Các bác sĩ chuyên khoa Nội - Ngoại thần kinh đã tiến hành vi phẫu lấy nhân đệm C3-C4, C4-C5, C5-C6, mài chồi xương dưới thân sống C3, mài thân sống từ đường giữa ra mỗi bên 7mm, giải áp toàn bộ mặt trước tủy từ C3 đến C5, ghép xương mào chậu nối từ C3 đến C5 làm vững cột sống, bắt nẹp vis Carts 3 để làm vững cột sống từ C3 đến C6. Tại khoa Chăm sóc Tích cực, sau mổ bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở tốt, sức cơ tứ chi hồi phục so với trước phẫu thuật, bệnh nhân cải thiện gần hoàn toàn các triệu chứng tê và các cử động tinh vi đôi bàn tay.

Bệnh nhân sau phẫu thuật đã được các bác sĩ Hồi sức Tích cực và Tim mạch phối hợp theo dõi chặt chẽ tình trạng lâm sàng, điện tâm đồ, các trị số men tim và siêu âm tim. Nhờ đó, bệnh nhân đã được phát hiện kịp thời tình trạng nhồi máu cơ tim cấp với ST chênh lên vào giờ hậu phẫu thứ 20 sau phẫu thuật giải áp tủy cổ.

Cơn nhồi máu cơ tim cấp diễn tiến nặng dần với các biểu hiện huyết động học suy sụp và xuất hiện các cơn rối loạn nhịp tim rất nặng đe dọa sinh mạng bệnh nhân. Các bác sĩ khoa Can thiệp mạch (DSA) đã quyết định tiến hành chụp động mạch vành can thiệp. Thủ thuật chụp mạch vành đã phát hiện một nhánh động mạch vành bị tắc gần hoàn toàn, bệnh nhân đã được đặt 1 stent mạch vành. Sau can thiệp tái thông động mạch vành thành công, bệnh nhân cải thiện dần các triệu chứng, huyết động và nhịp tim ổn định dần, các giá trị men tim giảm, sức co bóp cơ tim hồi phục rất tốt.

Bệnh nhân cải thiện dần các triệu chứng, huyết động và nhịp tim ổn định, xét nghiệm các chỉ số men tim, chức năng gan thận, đường huyết về giới hạn bình thường. Bệnh nhân tươi tỉnh, vận động tứ chi cải thiện nhiều, ăn uống khá hơn và xuất viện sau 2 tuần điều trị.


TS.BS. HUỲNH HỒNG CHÂU
Ý kiến của bạn